Thứ ba, 31/12/2024 08:25 GMT+7

Cần chính sách đột phá để KH,CN&ĐMST góp phần nâng tầm vị thế quốc gia, hội nhập sâu rộng với quốc tế

Cơ chế tài chính, đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) chưa huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong nước và nguồn lực từ hợp tác quốc tế. Thời gian tới, ngành KH&CN cần dành ưu tiên cao nhất cho công tác hoàn thiện thể chế chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo như trên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành KH&CN diễn ra chiều ngày 30/12/2024 tại Hà Nội. 
KH,CN&ĐMST đóng góp thiết thực phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2024, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và Lãnh đạo Bộ KH&CN chủ trì và điều hành Hội nghị.
Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để KH,CN&ĐMST thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Năm 2024 ngành KH&CN tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện chính sách pháp luật về KH,CN&ĐMST, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN. Bộ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng trình Bộ Chính trị 4 văn bản, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
Bộ đã xây dựng, hoàn thiện 4 dự thảo Luật chuyên ngành gồm: Luật KH,CN&ĐMST; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 đề án/văn bản về KH&CN; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội với hoạt động KH,CN&ĐMST, được ban hành trong Luật Thủ đô sửa đổi; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đầu tư...; Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, quản lý các Chương trình KH&CN quốc gia được triển khai theo hướng đơn giản hóa quy trình, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Đẩy nhanh tiến độ triển khai 23 Chương trình KH&CN quốc gia. Năm 2024, Bộ KH&CN đã phê duyệt và tổ chức triển khai mới 2 Chương trình KH&CN quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành KH&CN.
Nhiều thành tựu KH&CN được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.
Khoa học xã hội nhân văn đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Trong công nghiệp, năng lượng, đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm với tỷ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn, từng bước tiếp thu, làm chủ các công nghệ cao của Cách mạng công nghiệp 4.0. 
Trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, đã làm chủ thiết kế, xây dựng các công trình quy mô lớn, phức tạp; tiếp nhận, làm chủ công nghệ bê tông cốt thép ứng suất từ khâu thiết kế đến thi công trong xây dựng nhà cao tầng, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. 
Trong nông nghiệp, đã tiếp tục nghiên cứu khoa học, từng bước làm chủ công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực năng suất cao, chất lượng tốt, hoàn thiện quy trình canh tác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến. Nhờ đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức mới với 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%, trong đó có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. 
Trong khoa học y - dược, đã làm chủ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh nguy hiểm, nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới như kỹ thuật ghép tạng; kỹ thuật cao trong phẫu thuật, can thiệp ít xâm lấn. Làm chủ công nghệ và sản xuất đáp ứng 11/12 vắc xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều dự án hợp tác từ các tập đoàn lớn như Samsung, Intel và NVIDIA, trong đó Việt Nam và NVIDIA đã hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về AI và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế (đến nay, đã công bố hơn 14.000 TCVN, gần 800 QCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 62%). 
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Bộ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, hướng tới giảm tình trạng tồn đọng đơn. 
Về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc  tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, được đưa trong Nghị quyết của Quốc hội khóa XV… Bộ KH&CN đang rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hạt nhân; sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, vận hành Lò hạt nhân ở Đà Lạt và khẩn trương phối hợp triển khai xây dựng Trung tâm nghiên cứu KH&CN hạt nhân tại Đồng Nai…
Cùng với đó, tiềm lực KH&CN quốc gia được tăng cường, có nhiều chuyển biến trong công tác xã hội hóa đầu tư cho KH&CN. Chất lượng nguồn nhân lực KH&CN không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận, dần hình thành một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm cỡ quốc tế ở cả khu vực công và tư…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ KH&CN và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ hợp nhất thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông để cùng nhau đạt được những mục tiêu đề ra trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với quyết tâm cao nhất, hai Bộ đã tiến hành: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất; xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mới sau hợp nhất với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gửi Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Đồng thời, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nêu rõ “Phát triển KH,CN,ĐMST, chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, thời gian tới, hai Bộ có nhiều nhiệm vụ cần triển khai với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, để hoàn thành được các nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra. 
Triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH,CN&ĐMST
Để KH,CN&ĐMST ngày càng đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội nghị.
Thứ nhất, khẩn trương phối hợp với Bộ TT&TT tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia;
Thứ hai, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Phối hợp với Bộ TT&TT triển khai thực hiện Đề án hợp nhất; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông theo đúng quy định của pháp luật, đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.
Thứ ba, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích KH,CN&ĐMST phát triển. Hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 4 Luật chuyên ngành, gồm: Luật KH,CN&ĐMST; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Thứ tư, triển khai hiệu quả, đồng bộ các Chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030; xác định rõ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam. Khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về KH,CN&ĐMST, các kho dữ liệu khoa học dùng chung; kết nối các cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam.
Thứ năm, phát triển mạnh nhân lực KH&CN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…
Thứ sáu, phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái KNST, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới...
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về KH,CN&ĐMST nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử và các công nghệ chiến lược khác; gắn kết các hoạt động hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST với ngoại giao kinh tế, thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ tám, đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, trong đó ưu tiên triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia. Tập trung thúc đẩy bảo hộ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình.
Thứ chín, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định. Triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án 06.
Dành ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách về KH,CN&ĐMST
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả hoạt động của Bộ KH&CN cùng những ý kiến tham luận tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả công tác của ngành KH&CN đạt được trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, thế giới tiếp tục phát triển trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều yếu tố tác động bước ngoặt như: AI, dữ liệu lớn, internet di động…, ảnh hưởng sâu sắc đến việc khai thác tiềm năng và thế mạnh của ngành KH&CN nước nhà. Với quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm cùng vai trò của Chính phủ, dự kiến 15/15 chỉ tiêu phát triển năm 2024 sẽ đạt và vượt; tăng trưởng GDP kỳ vọng vượt mức 7%. Trong thành tựu chung đó, Phó Thủ tướng nhận định, có sự đóng góp của ngành KH&CN.
Phó Thủ tướng bày tỏ tâm đắc và ấn tượng với 2 trong nhiều kết quả ngành KH&CN đạt được năm 2024 đó là: Bộ KH&CN đã tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị Nghị quyết số 57-NQ/TW - Nghị quyết đột phá, xoay chuyển tình thế cho phát triển đất nước. Cùng với đó, là công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, các cơ chế liên quan đến KH,CN&ĐMST.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Theo Phó Thủ tướng một số hạn chế cần tìm giải pháp vượt qua, đó là cơ chế tài chính. Thời gian qua, đầu tư cho KH&CN chưa huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong nước và nguồn lực từ hợp tác quốc tế. Cùng với đó, thị trường KH&CN đã bắt đầu hình thành nhưng chưa đạt tầm vóc thực sự. KH&CN chưa thực sự đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Nhấn mạnh năm 2025 là năm quyết định cho việc hoàn thành mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, tạo tiền đề cho nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN cần chủ động xây dựng Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 57 - NQ/TW tới các Bộ, ngành, trình Chính phủ trước ngày 02/01/2025 để tiến tới Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 57 dự kiến diễn ra ngày 13/01/2025.
Ngành KH&CN cần dành ưu tiên cao nhất cho công tác hoàn thiện thể chế chính sách về KH,CN&ĐMST. Đồng thời, có giải pháp huy động sự tham gia của các nguồn lực trong và ngoài nước; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung cho công tác kiện toàn sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18; phát huy thành tựu đạt được, ngành KH&CN sẽ tiếp tục có một năm phát triển, vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 817

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)