Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia.
Đây là nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển Khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học Sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học Biển giai đoạn 2017-2025 được Bộ KH&CN phê duyệt, do TS. Vũ Văn Thăng làm chủ nhiệm đề tài; Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu là cơ quan chủ trì.
Báo cáo tại phiên họp, TS. Vũ Văn Thăng cho biết, dự báo bão luôn là thách thức lớn đối với nhân loại, việc dự báo chính xác cường độ, quỹ đạo, cấu trúc, sự thay đổi và các hệ quả mưa lớn, gió mạnh do bão là bài toán rất khó không chỉ đối với các nước đang phát triển mà còn với cả các nước phát triển. Trải qua nhiều thời kỳ, tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đã thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khác nhau liên quan đến bão và bão được coi là một trong những đối tượng chính cần nghiên cứu, dự báo, giảm thiểu rủi ro.
Phần lớn các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các mảng chính gồm: Nghiên cứu dự báo quỹ đạo bão, sự thay đổi cấu trúc, quỹ đạo; Nghiên cứu dự báo cường độ bão, sự thay đổi cường độ của bão, năng lượng bão; Nghiên cứu hệ quả của bão (mưa lớn, phân bố vùng gió mạnh…). Thực tế cho thấy cường độ và sự thay đổi cường độ đột ngột của một cơn bão (RI) bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố như hoàn lưu quy mô lớn, khu vực hình thành và phát triển, cấu trúc bão, điều kiện nhiệt động lực học, nhiệt độ bề mặt nước biển, thông lượng nhiệt ẩm, tác động của các yếu tố môi trường…dẫn đến việc nghiên cứu sự thay đổi đột ngột của bão là rất phức tạp. Tuy nhiên, nhìn chung sự thay đổi RI phụ thuộc vào 3 nhân tố chính là cấu trúc lõi động lực của bão, dòng môi trường, tương tác với đại dương.
Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bao gồm: đã lựa chọn được cấu hình miền tính, lưới tính, các tham số vật lý phù hợp cho mô hình HWRF; xây dựng được các mô hình dự báo MPI từ số liệu GFS và từ mô hình HWRF và phương án tổ hợp đa sơ đồ vật lý cho mô hình HWRF thông qua chỉ số MPI thực nghiệm; đã xây dựng được phương pháp dự báo RI; sự thay đổi đột ngột của quỹ đạo bão (SD) và bán kính gió mạnh (R34) của bão trên Biển Đông bằng phương pháp thống kê/động lực; đồng hóa số liệu và tổ hợp đa biến đầu vào của HWRF. Đề xuất phương án dự báo đối với MPI có thể sử dụng số liệu GFS và HWRF; đối với RI có thể sử dụng phương pháp thống kê/động lực là tổ hợp của 3 mô hình LDA, LogR và Bayes và sử dụng mô hình HWRF; đối với SD, R34 sử dụng mô hình HWRF.
Đề tài đã chạy thử nghiệm mô phỏng và đánh giá sai số dự báo cường độ cực đại tiềm năng, sự thay đổi cường độ, hướng di chuyển, bán kính gió mạnh của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông cho một mùa bão năm 2023 và đang thử nghiệm ở chế độ tựa nghiệp vụ cho mùa bão năm 2024. Cụ thể đã chạy thử nghiệm mô phỏng cho mùa bão năm 2023 kết quả đánh giá mô phỏng đối với MPI, RI, SD, R34 thông qua các chỉ số thống kê. Kết quả đánh giá dự báo RI, SD bằng mô hình HWRF thông qua các yếu Vmax, Pmin đối với cường độ, và sai số vị trí của bão trên Biển Đông cho thấy đều nằm trong ngưỡng sai số cho phép theo thông tư 41/2017/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng. Kết quả thử nghiệm ở chế độ nghiệp vụ dự báo sự thay đổi RI, SD cho hai cơn bão năm 2024 cho thấy, mô hình dự báo khá tốt RI, SD của bão trên Biển Đông. Kết quả được cập nhật tại đường link: http://118.70.236.153/typhoon.
Trong quá trình thực hiện, sử dụng các kết quả của nhiệm vụ, có 04 công trình công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI; 02 công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc gia; đào tạo 01 Thạc sỹ và hỗ trợ đào tạo 01 Tiến sỹ.
TS. Vũ Văn Thăng thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu và kết quả của nhiệm vụ.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm và cơ quản chủ trì. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài mức "Đạt". Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các nội dung góp ý và chỉnh sửa cho phù hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ KH&CN ra quyết định công nhận kết quả của nhiệm vụ.