Thứ ba, 24/12/2024 12:04 GMT+7

Tăng cường kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu

Nhằm thu hút và kết nối các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (KNST) trong nước, ngày 23/12/2024, tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã diễn ra hội thảo: Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu.
Hội thảo là dịp tổng kết một số kết quả của chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu, kết nối cộng đồng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, thảo luận một số giải pháp để thu hút nguồn vốn, nhân tài trong và ngoài nước hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Đồng thời, tiếp tục củng cố, tăng cường các hoạt động thu hút, kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; liên kết các mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế cùng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia; khuyến nghị các chính sách hỗ trợ cho nhân tài và chuyên gia trong chương trình từ cơ sở dữ liệu toàn dân…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (Global Mentoring Program for V-startups - GMPV) là chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Ngoại giao, dựa trên hình thức cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu (Mentor) với các doanh nghiệp KNST được lựa chọn (Mentee) để giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường quốc tế. 
Điểm thu hút của chương trình đó chính là những chuyên gia, mạng lưới tri thức kiều bào sẽ cung cấp tư duy và tầm nhìn về thị trường để các startup Việt có thể cung cấp hàng hóa, sản phẩm dịch vụ ra toàn cầu. Các giải pháp, sản phẩm sáng tạo từ chương trình sẽ được giới thiệu hỗ trợ vốn từ hệ thống ngân hàng cùng kết nối để giải quyết các vấn đề của chính quyền địa phương thông qua chuỗi sự kiện Techfest hướng tới giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Ông Nguyễn Mạnh Đông phát biểu tại Hội thảo.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết, trong những năm, qua chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu triển khai rất tích cực và đạt được một số kết quả nhất định, qua đó các startup có cơ hội nhận cố vấn từ các chuyên gia Việt Nam về công nghệ, KNST đến từ nhiều nước trên thế giới; tìm hiểu, kết nối đối tác và phát triển thị trường; kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, tiếp cận các chương trình đào tạo, ươm tạo uy tín trong nước và quốc tế. Hằng năm, Việt Nam có nhiều chính sách để thu hút đóng góp của kiều bào ở nước ngoài. Đây chính là nguồn lực quan trọng để các startup Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn lực hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia và các startup công nghệ Việt Nam ở nước ngoài, từ đó tăng cường kết nối và tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ KNST.
Ông Phạm Hồng Quất phát biểu tại Hội thảo.
Được triển khai từ năm 2021-2023, chương trình có sự tham gia của 17 mentor giàu kinh nghiệm tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, như Việt Nam, Australia, Mỹ… Chương trình đã kết nối 20 startups tiềm năng trên thế giới, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, IoT, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, nông nghiệp, truyền thông...
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi một số bài toán của địa phương, doanh nghiệp và thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài có thể hỗ trợ, giải quyết các bài toán của startup Việt. Cùng với đó, liên kết dữ liệu và ghi nhận khuyến nghị chính sách hỗ trợ nhân tài của mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu trong chính sách quốc gia.
Toàn cảnh Hội thảo.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã phát động chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu năm 2025, với các tiêu chí tuyển chọn mentor như: Có kinh nghiệm trong việc cố vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề: công nghệ, thị trường, vốn/tài chính; cam kết về thời gian tham gia chương trình (dự kiến tối thiểu 4 giờ cố vấn/tháng); ưu tiên các cố vấn được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu.
Về quy trình đăng ký, kết nối mentor và mentee, dựa trên thông tin trong đơn đăng ký tham gia chương trình của các startup, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn và ghép cặp phỏng vấn giữa mentor cố định với startup. Việc kết nối mentor và mentee sẽ được triển khai trên nền tảng do Ban Tổ chức xây dựng và vận hành.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 182

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)