Thứ sáu, 04/08/2023 11:09 GMT+7

Viện Nghiên cứu hạt nhân phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tổ chức Khóa đào tạo về các phương pháp tiếp cận đồng vị tích hợp để giám sát các nguồn gây ô nhiễm do nông nghiệp trong môi trường

Chất lượng nước và năng suất đất trong các khu vực canh tác nông nghiệp cần phải được đảm bảo và nâng cao để duy trì năng suất đất và cây trồng, an ninh lương thực và đảm bảo chất lượng nước, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái thiết yếu khác. Tuy vậy, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những thay đổi về loại hình sử dụng đất, tập quán canh tác nông nghiệp, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu khiến chất lượng nước và đất bị suy thoái trên diện rộng, với hơn 80% con sông bị ô nhiễm và khoảng 1,8 triệu người chết hàng năm vì các bệnh liên quan đến nước. Ô nhiễm nông nghiệp đã xảy ra với mức độ khác nhau trong toàn khu vực, và là mối quan tâm chính ở mọi quốc gia có nền nông nghiệp thâm canh. Các chất gây ô nhiễm do nông nghiệp, bao gồm phân bón và chất dinh dưỡng (nitơ, phốt pho và lưu huỳnh), thuốc trừ sâu, trầm tích, carbon và chất hữu cơ, và nhiều loại vật liệu khác được phát sinh, vận chuyển và tích tụ trong các lưu vực. Ô nhiễm nông nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái cũng như chất lượng cuộc sống, chất lượng môi trường, năng suất nông nghiệp, khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã triển khai dự án hợp tác vùng châu Á – Thái Bình Dương IAEA/RCA/RAS 5/091 “Đánh giá và giảm thiểu chất ô nhiễm nông nghiệp nhằm cải thiện chất lượng nước và năng suất đất trong các lưu vực sử dụng các phương pháp tiếp cận đồng vị tích hợp” (Assessing and Mitigating Agro-Contaminants to Improve Water Quality and Soil Productivity in Catchments Using Integrated Isotopic Approaches). Dự án với sự tham gia của 21 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kéo dài từ 2022 – 2025. Dự án này tập trung vào việc đánh giá và giảm thiểu các chất gây ô nhiễm do hoạt động nông nghiệp trong các lưu vực nhằm cải thiện chất lượng nước và năng suất đất bằng cách sử dụng các phương pháp tiếp cận đồng vị tích hợp. Thông qua việc tham gia dự án, năng lực của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nâng cao bằng cách phát triển các khả năng kỹ thuật để xác định, đo lường và theo dõi các chất gây ô nhiễm môi trường do nông nghiệp bởi việc sử dụng bộ công cụ đồng vị. Dự án này sẽ phát triển các kỹ thuật để xác định nguồn gốc, sự vận chuyển và các điểm nóng ô nhiễm do hoạt động nông nghiệp bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận đồng vị tích hợp bao gồm các đồng vị bền (δ2H, δ13C, δ15N, δ18O, δ32S) kết hợp với thành phần đồng vị bền trong các hợp chất đặc trưng (δ13C trong các acid béo), và các đồng vị phóng xạ rơi lắng (137Cs, 210Pb) …

Trong khuôn khổ Dự án IAEA/RCA/RAS 5/091, từ ngày 24/7 đến ngày 28/7/2023, Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) đã phối hợp với IAEA tổ chức khóa đào tạo về: “Các phương pháp tiếp cận đồng vị tích hợp để giám sát các nguồn gây ô nhiễm do nông nghiệp trong môi trường”. Tham dự lớp tập huấn có 23 học viên đến từ 14 quốc gia gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Fiji, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Khóa tập huấn do các chuyên gia gồm: Tiến sĩ Joseph Adu-Gyamfi, Giám đốc kỹ thuật của IAEA; Tiến sĩ Đặng Đức Nhận, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Ông Carl Helander, Đại học Macquarie, Australia và các cán bộ Phòng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị – Viện NCHN hướng dẫn. Mục đích của khóa đào tạo này là: cung cấp các kiến thức về thiết kế thực nghiệm và kỹ thuật lấy mẫu để phân tích đồng vị và kỹ thuật bổ trợ để đánh giá chất lượng đất và nước do các chất gây ô nhiễm bởi hoạt động nông nghiệp trong các lưu vực.
 

Thông qua khóa học, các học viên được trang bị các kiến thức về khái niệm và vai trò của đồng vị trong nghiên cứu chất gây ô nhiễm do hoạt động nông nghiệp, thiết kế thực nghiệm, phương pháp lấy mẫu và lập kế hoạch lấy mẫu, phương pháp xử lý mẫu và phân tích mẫu, sử dụng các mô hình để đánh giá nguồn đóng góp ô nhiễm. Đồng thời, các học viên được thực nghiệm tại hiện trường về phương pháp thu góp mẫu nước, chuẩn bị mẫu nước để phân tích các chất ô nhiễm và thành phần đồng vị. Ngoài ra, các học viên cũng được hướng dẫn phương pháp phân tích thành phần đồng vị bền trên hệ thiết bị phân tích tỉ số đồng vị bền tại Viện NCHN và Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp.

Các giảng viên và học viên đã cùng chia sẻ các kinh nghiệm nghiên cứu được triển khai tại mỗi quốc gia. Kết thúc khóa học, Tiến sĩ Joseph Adu-Gyamfi hy vọng với các kiến thức và kinh nghiệm thu được từ khóa học, các học viên có thể triển khai các dự án nghiên cứu của mình một cách hiệu quả và từ đó, nâng cao mạng lưới cơ sở dữ liệu vùng về tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động nông nghiệp ở các quốc gia thành viên.

Một số hình ảnh về khóa học
 

Tiến sĩ Joseph Adu-Gyamfi – Giám đốc kỹ thuật dự án RAS/5/091 phát biểu khai mạc khóa học
 

Ông Nguyễn Kiên Cường – Phó Viện trưởng Viện NCHN phát biểu tại lễ khai mạc khóa học
 


TS. Đặng Đức Nhận trình bày bài giảng về kỹ thuật sử dụng đồng vị bền trong nghiên cứu các chất ô nhiễm do nông nghiệp

 

Ông Carl Helander – Trường Đại học Macquarie, Australia hướng dẫn về phương pháp thiết kế thực nghiệm

TS. Đặng Đức Nhận hướng dẫn các học viên thu góp và xử lý mẫu tại hiện trường
 

Các học viên tìm hiểu phân tích đồng vị bền H-2 và O-18 trên hệ phổ kế laser tại Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp

Các học viên tìm hiểu phân tích đồng vị bền C-13 và N-15 trên hệ khối phổ kế tỉ số đồng vị EA-IRMS tại Viện Nghiên cứu hạt nhân
 


Các học viên nhận chứng chỉ sau khoá đào tạo

 


Các học viên tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Viện Nghiên cứu hạt nhân

 

Các học viên tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp

 

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 835

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)