Thứ ba, 27/06/2023 16:41 GMT+7

Viện Công nghệ xạ hiếm tiếp đón và thảo luận với Viện Nghiên cứu khoa học địa chất và khoáng sản Hàn Quốc

Trong ngày 21/6/2023, tại trụ sở của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), Viện Công nghệ xạ hiếm (ITRRE) và Viện Nghiên cứu khoa học địa chất và khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM) đã có buổi thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực chế biến đất hiếm.

Về phía VINATOM và ITRRE có đại diện là TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; TS. Phạm Quang Minh – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam – đồng thời là Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm; TS. Nguyễn Trọng Hùng – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm, cùng các cán bộ nghiên cứu về đất hiếm. Về phía KIGAM có ông Pyeong-Koo Lee – Chủ tịch KIGAM; ông Yongje Kim – Giám đốc Bộ phận Hợp tác quốc tế; ông Kyeong Woo Chung – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tài nguyên, cùng các trưởng bộ phận.

Hiện nay, nhu cầu đất hiếm cho công nghệ cao, công nghệ năng lượng mới tăng mạnh, Tập đoàn Hàn quốc Star Group Ind. Co. Ltd (SGI) và một số doanh nghiệp khác, đang xây dựng nhà máy chế tạo nam châm đất hiếm tại Việt Nam và cũng đang mong muốn hợp tác với chủ đất hiếm để khai thác chế biến đất hiếm Đông Pao, thuộc tỉnh Lai Châu, nhằm chủ động cung cấp nguyên liệu đất hiếm riêng rẽ độ sạch cao cho các nhà máy và hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Viện KIGAM thành lập năm 1918 được biết đến là Viện nghiên cứu địa chất hàng đầu và duy nhất được chính phủ Hàn quốc tài trợ, có nhiều đóng góp quan trọng cho các vấn đề an ninh công cộng và phát triển quốc gia.

ITRRE là Viện nghiên cứu hàng đầu của Chính phủ Việt Nam về lĩnh vực đất hiếm. Viện có chức năng chính nghiên cứu về chu trình nhiên liệu hạt nhân, công nghệ vật liệu và công nghệ đất hiếm, xử lí và quản lí chất thải phóng xạ, đào tạo nhân lực thông qua nghiên cứu khoa học.

KIGAM và ITRRE thuộc VINATOM đã có hơn 20 năm hợp tác thông qua 3 dự án nghiên cứu trong lĩnh vực đất hiếm từ những năm 2000 tới nay. Hai bên đã thực hiện nhiều lượt trao đổi chuyên gia, đào tạo nhân lực khoa học công nghệ cũng như thu được nhiều kết quả trong nghiên cứu.

Trong chuyến thăm của Phó Viện trưởng Viện CNXH, TS. Nguyễn Trọng Hùng tới KIGAM năm 2022, KIGAM và ITRRE đã kí kết thỏa thuận hợp tác với những định hướng hợp tác mới.

Trong nội dung buổi làm việc, thay mặt VINATOM, Viện trưởng Trần Chí Thành đã phát biểu khai mạc và có nhiều thảo luận quan trọng với Chủ tịch KIGAM Pyeong-Koo Lee. Ông Pyeong-Koo Lee bày tỏ vui mừng khi Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà ông có duyên được tới thăm. Ông rất ngạc nhiên khi quan sát thấy sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam thể hiện trong nhiều lĩnh vực.

TS. Nguyễn Trọng Hùng – Phó Viện trưởng ITRRE đã có bài trình bày giới thiệu với đoàn KIGAM về tình hình tài nguyên và khai thác khoáng sản đất hiếm Việt Nam, các công nghệ chế biến sâu đất hiếm và các thành tựu nghiên cứu KH&CN của ITRRE trong lĩnh vực đất hiếm, các dự án nghiên cứu hợp tác giữa KIGAM và ITRRE trong suốt 20 năm hợp tác và triển vọng phát triển hợp tác trong bối cảnh hiện tại. Phía ông Chủ tịch KIGAM cũng giới thiệu sâu về các hoạt động chính và trọng tâm của Viện, bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác đã được kí kết thông qua con đường tích cực trao đổi chuyên gia Hàn Việt, tiến hành các khóa đào tạo ngắn hạn 1-2 tuần về các công việc trước mắt và đào tạo chuyên sâu sau đại học tại KIGAM cho các cán bộ nghiên cứu ITRRE. Phía KIGAM sẽ đài thọ mọi chi phí liên quan đến việc tham quan khoa học và đào tạo nhân lực giữa 2 bên. Kết thúc buổi hội đàm tại VINATOM, Chủ tịch KIGAM một lần nữa bày tỏ mong muốn mời đoàn công tác của VINATOM và ITRRE dẫn đầu là TS. Trần Chí Thành sang thăm và tìm hiểu về KIGAM.
 

Thảo luận tại Trụ sở chính của VINATOM, 59 Lý Thường Kiệt-Hà Nội
 

Ảnh lưu niệm KIGAM – VINATOM – ITRRE

Sau buổi làm việc tại 59 Lý Thường Kiệt, đoàn công tác KIGAM đã có chuyến tham quan và thảo luận tại cơ sở 2 của Viện Công nghệ xạ hiếm tại Phùng (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Đây là cơ sở thực hiện các hoạt động nghiên cứu triển khai quy mô lớn của Viện Công nghệ xạ hiếm. Tại đây, đoàn đã tham quan hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại nhất Việt Nam về nghiên cứu chế biến sâu đất hiếm quy mô pilot, từ giai đoạn tuyển, thủy luyện đến giai đoạn chiết dung môi phân chia-tinh chế thu nhận các nguyên tố đất hiếm riêng rẽ độ sạch cao; đặc biệt là các thiết bị phân tích hiện đại ICP-OES, AAS phục vụ đắc lực, không thể thiếu cho các quá trình nghiên cứu trên.

Kết thúc buổi làm việc, KIGAM và ITRRE đã thống nhất mối quan hệ hợp tác sâu rộng, lợi ích lẫn nhau trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ đất hiếm cụ thể trên các lĩnh vực: khai thác khoáng sản đất hiếm, chế biến quặng đất hiếm, chiết phân chia tinh chế và ứng dụng đất hiếm phát triển kinh tế xã hội.

Hợp tác giữa KIGAM và ITRRE sẽ đóng góp chung cho quản lí bền vững nguồn khoáng sản, đem lại lợi ích cho cả các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam và ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam.

Chuỗi làm việc của Chủ tịch KIGAM cùng đoàn nằm trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 22/6 đến ngày 24/6 của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Phu nhân./.

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2312

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)