Thứ bảy, 23/04/2022 06:27 GMT+7

Lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2022 với chủ đề: “Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo và Thế hệ trẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn”

Lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia và Sở hữu trí tuệ Thế giới năm 2022 được tổ chức với mong muốn chia sẻ, nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thế hệ trẻ dẫn dắt.

Chiều 21/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia và Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 2022.
 


Toàn cảnh buổi lễ

Tham dự sự kiện có đồng chí: Phan Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội; Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Ngọ Duy Hiểu, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Đỗ Chí Nghĩa, Ủy ban thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các Viện, Trường và các Sở KH&CN địa phương.

Đại diện các tổ chức quốc tế có ông: Shin Umezu, Trưởng phòng Điều phối Liên hợp quốc tại Việt Nam; Christian Manhart, Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam; Peter Willimott, Trưởng Văn phòng đại diện của WIPO Singapore.

Về phía Bộ KH&CN có đồng chí: Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Cùng các đồng chí đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.

Tham dự buổi Lễ còn có đại diện các tổ chức KH&CN; doanh nghiệp KH&CN; doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo
 


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu

Phát biểu tại Lễ hưởng ứng Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.

Tại Việt Nam, quan điểm thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST để trở thành động lực, nền tảng phát triển kinh tế -xã hội đất nước đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật, chính sách nhà nước. Với vai trò quan trọng của KH,CN&ĐMST đối với phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhận thành tựu KH,CN&ĐMST, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về  KH,CN&ĐMST là rất cần thiết.

Năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4. Với thông điệp “Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và thế hệ trẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia và Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới năm 2022 được tổ chức với mong muốn chia sẻ, nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, đặc biệt tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thế hệ trẻ dẫn dắt.

Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới Ngày Khoa học và Công nghệ 18/5 để tôn vinh những người làm khoa học, đổi mới sáng tạo; giới thiệu, phổ biến, ghi nhận các thành quả KH,CN&ĐMST của đất nước; tăng cường sự đồng hành, gắn kết của nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nước và xã hội để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam… cũng như góp phần nâng cao nhận thức xã hội và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
 


Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu

Chúc mừng những thành tựu to lớn của Việt Nam trong thời gian qua, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, đổi mới sáng tạo là yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể làm chủ, khai thác được tất cả các tiềm năng kinh tế của quốc gia, tạo ra những động lực mới cho các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, tạo ra công ăn việc làm, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, đổi mới sáng tạo càng quan trọng hơn bao giờ hết khi đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các thách thức hiện nay như: Suy thoái môi trường, xóa đói giảm nghèo…

Nhắc về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam ở vị trí 44/132 quốc gia, ông Christian Manhart đánh giá đây là thành tựu đáng chúc mừng và khẳng định cam kết mạnh mẽ của các cơ quan của Liên Hợp Quốc hỗ trợ Việt Nam trong sự phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện, trong đó có thúc đẩy đổi mới sáng tạo đặc biệt là các chính sách nền tảng cho đổi mới sáng tạo như: Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp, triển khai thành phố thông minh…

“thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh giúp nhận ra tầm quan trọng và tiềm năng của thế hệ trẻ. Chủ đề lần này giúp nhận ra vai trò thế hệ trẻ, tìm ra giải pháp mới và hướng chuyển đổi hướng tới phát triển bền vững”.

Sở hữu trí tuệ, Đổi mới sáng tạo và Thế hệ trẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn
 


Ông Peter Willimott, Trưởng Văn phòng đại diện của WIPO Singapore phát biểu

Ông Peter Willimott, Trưởng Văn phòng đại diện của WIPO Singapore cho rằng sở hữu trí tuệ là công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giúp tối ưu hóa kết quả tài chính mà hoạt động nghiên cứu triển khai. Ông Peter Willimott chỉ ra các nước có hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh sẽ có chỉ số đổi mới sáng tạo cao.

"Sở hữu trí tuệ không đơn thuần là quyền về mặt pháp lý mà cần thành chất xúc tác thúc đẩy đầu tư, không chỉ tập trung đăng ký mà còn hướng tới thương mại hóa, coi sở hữu trí tuệ như một tài sản".
 


Ông Lê Vũ Tiến,  Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ KH&CN phát biểu

Chia sẻ về vai trò của Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN trong hoạt động đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ KH&CN Lê Vũ Tiến cho rằng, với khẩu hiệu “Tuổi trẻ Bộ Khoa học và Công nghệ xung kích, sáng tạo góp phần đưa nhanh KH&CN vào cuộc sống,” Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN nghệ đã phát động và triển khai các hoạt động gắn với đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, qua đó nhằm phát huy trí tuệ, vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ, tham gia phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2022, Đoàn Thanh niên Bộ phối hợp với Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc thi Finnovation 2022 (từ tháng 4-8/2022) nhằm cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo và vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế - xã hội với sự xung kích của thế hệ trẻ.

Dưới góc độ địa phương, Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2022 là cơ hội để thế hệ trẻ tìm hiểu cách thức mà quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ các mục tiêu, giúp biến ý tưởng thành hiện thực, tạo thu nhập, việc làm và tác động tích cực đến thế giới xung quanh. Việc nắm vững pháp luật về hệ thống sở hữu trí tuệ như: Quyền tác giả, nhãn hiệu, sáng chế, quyền đối với giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và các lĩnh vực khác sẽ hỗ trợ thế hệ trẻ xây dựng, kiến tạo tương lai một cách chắc chắn và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động kỷ niệm Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đã được thành phố Hà Nội cùng các địa phương hưởng ứng, tích cực tổ chức hằng năm với mục đích tăng cường sự quan tâm, tương tác của cộng đồng; biểu dương, động viên, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, có nhiều đóng góp cho việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ.

Theo PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng Ban KH&CN, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam rất cần KH,CN&ĐMST mang lại giá trị thật và mới để phát triển.

Đối với Đại học Quốc gia, mục tiêu  đến năm 2030, hoạt động KH,CN&ĐMST sẽ đóng vai trò nòng cốt, góp phần quan trọng trong Chiến lược phát triển trường Đại học Quốc gia thành đại học định hướng đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết  một số thách thức, cấp bách của đất nước và góp phần nâng cao năng lực và ĐMST quốc gia.

Chia sẻ thêm về quan điểm Đổi mới sáng tạo mở - Một xu thế tất yếu, Trưởng làng Open Innovation Social Nguyễn Hương Quỳnh cho biết, theo báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2021 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures đồng phát hành vào Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4), Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư, tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tăng 60%.

Báo cáo cho thấy, năm 2021 là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%, phân bổ đều giữa các quốc gia. Trong đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất là Singapore. Hoạt động đầu tư từ Nhật Bản cũng dần sôi động hơn sau hai năm chững lại.

Tại Lễ hưởng ứng nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã khẳng định tầm quan trọng của KH,CN&ĐMST và cho rằng cần phải thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu KHCN&ĐMST tại các địa phương hướng tới chuyển đổi số; hoạt động KHCN&ĐMST thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn một số tỉnh… Đồng thời trao đổi, thảo luận về các giải pháp để triển khai hiệu quả hoạt động KH,CN&ĐMST trong kế hoạch năm 2022 và định hướng cho những năm tiếp theo./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 23101

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)