Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của 5 Viện trực thuộc Bộ KH&CN.
Ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ báo cáo tại Hội Nghị.
Tại Hội nghị, Viện trưởng Tạ Quang Minh đã báo cáo kết quả công tác năm 2021 và phương hướng hoạt động năm 2022. Trong năm 2021, Viện đã thực hiện 02 đề tài cấp bộ và 09 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài đều được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, báo cáo tiến độ hàng tháng và đã tổ chức trao đổi, góp ý về chuyên môn để đảm bảo tiến độ và chất lượng nghiên cứu. Viện bắt đầu triển khai hoạt động phối hợp với các Sở KH&CN trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đã đạt được kết quả ban đầu: Phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận triển khai nghiệm vụ xây dựng Đề án triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030. Đề án này đã được UBND Tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2367/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 về việc ban hành “Đề án triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030”.
Viện đã chủ động phối hợp với một số đơn vị/tổ chức trong và ngoài nước tiến hành các buổi tọa đàm, hội thảo về sở hữu trí tuệ; Tổ chức 01 khóa bồi dưỡng về quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) cho cán bộ thuộc doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Định; Tổ chức một số lớp bồi dưỡng, huấn luyện về khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ SHCN tại Sở KHCN Cao Bằng, Gia Lai, Hải Phòng, Ninh Thuận…
Viện đã quản lý, vận hành hiệu quả Nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp (Nền tảng IPPLATFORM) và các Trạm Khai thác thông tin và Sử dụng dịch vụ SHCN (Trạm IPPLATFORM) phục vụ công chúng, doanh nghiệp; Tư vấn, hướng dẫn khai thác thông tin trên Nền tảng tại các Trạm; tổ chức khai thác thông tin SHCN và cung cấp dịch vụ SHCN phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT và phát triển TSTT. Theo thống kê tự động, đến thời điểm hiện tại đã có trên 180 nghìn khách truy cập, với trên 2,2 triệu trang truy cập; hơn 1.000 lượt yêu cầu tư vấn đã được thực hiện miễn phí, gần 30 lượt cập nhật thông tin SHCN và hơn 20 lượt yêu cầu đăng thông tin trên sàn giao dịch đã được tiếp nhận, xử lý; Tiếp tục phát triển mạng lưới các Trạm IPPlatform: Tính đến tháng 20/11/2021, Viện đã thiết lập được thêm 4 Trạm IPPlatform, tại 4 tỉnh (Hải Phòng; Cao Bằng; Ninh Thuận và Gia Lai), đưa tổng số Trạm IPPlatform hoạt động trên cả nước là 17 Trạm.
Xây dựng các công cụ phục vụ quản lý SHCN tại địa phương: Trên cơ sở phát triển ứng dụng Nền tảng IPPlatform, các Sở KHCN Bình Định, Nghệ An, Nam Định đã phối hợp với Viện KHSHTT xây dựng Giao diện quản trị TSTT riêng cho tỉnh (còn gọi là Dashboard) nhằm quản lý các TSTT của tỉnh, từ đó phục vụ tốt hơn, chuyên sâu hơn hoạt động quản lý nhà nước về SHTT.
Phối hợp với các Trạm IPPlatform tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu tư vấn, hỗ trợ khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ SHCN phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn: Sở KHCN Hải Phòng 06 yêu cầu; Sở KHCN Hà Tĩnh 03 yêu cầu.
Thực hiện các dịch vụ về sở hữu trí tuệ (dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp; dịch vụ đánh giá khả năng đăng ký, sử dụng hợp pháp đối tượng SHCN, xác lập và bảo vệ quyền SHCN…) theo yêu cầu của xã hội: 04 yêu cầu tư vấn sáng chế; 02 yêu cầu tư vấn KDCN và 01 yêu cầu tư vấn nhãn hiệu.
Tính từ 1/1- 30/11/2021, Viện đã thực hiện 275 vụ việc tư vấn; tiếp nhận, thụ lý và đưa ra kết luận giám định cho 967 hồ sơ yêu cầu/trưng cầu giám định các loại (trong đó, Nhãn hiệu 856 hồ sơ, Kiểu dáng công nghiệp 95 hồ sơ, Sáng chế 16 hồ sơ) giảm 7% so với năm 2020 (1.039 hồ sơ). Hoạt động tư vấn, giám định - định giá luôn được duy trì và thực hiện tốt, đảm bảo về chất lượng và thời gian thực hiện theo yêu cầu của người nộp đơn.
Trong năm 2022, bên cạnh việc đảm bảo triển khai tốt các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, Viện tiếp tục mở rộng và phát triển các hoạt động hợp tác với các địa phương, các tổ chức khác trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn, huấn luyện khai thác thông tin, quản trị tài sản trí tuệ, phát triển tài sản trí tuệ và quản lý nhà nước về SHTT. Viện sẽ tiến hành kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân lực cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2022-2026; Hoàn thành kế hoạch nghiên cứu khoa học được Bộ giao; tổ chức các khoá huấn luyện về khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ SHCN; cung cấp kịp thời, chất lượng cao dịch vụ giám định SHCN theo yêu cầu và trưng cầu của các tổ chức.
Cũng trong năm 2022, Viện sẽ duy trì ổn định hoạt động của Nền tảng IPPLATFORM phục vụ công chúng khai thác miễn phí, thuận lợi, dễ dàng thông tin SHCN; Thiết lập và đưa vào hoạt động thêm 15 Trạm IPPLATFORM. Viện sẽ phối hợp với các Trạm IPPlatform huấn luyện các kỹ năng khai thác và vận hành Nền tảng IPPlatform cho cán bộ quản lý các Trạm IPPlatform phục vụ hoạt động tư vấn, hỗ trợ về SHTT cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn; tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ tư vấn SHTT phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, qua đó từng bước góp phần hoàn thiện mô hình dịch vụ về SHTT cho các đơn vị đặt Trạm IPPlatform; Tổ chức Hội nghị thường niên về khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ SHCN để đánh giá kết quả triển khai hoạt động của các Trạm IPPlatform và đề xuất các nội dung triển khai trong năm tiếp theo.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá, ghi nhận thành tích của các đơn vị, nỗ lực vượt qua khó khăn dịch bệnh và hoàn thành xuất sắc kế hoach công tác 2021. Về phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị tập trung kiện toàn tổ chức, nhân lưc cho phù hợp với giai đoạn mới. Các Viện phải chủ động phát triển các hoạt động dịch vụ, tạo nguồn thu hợp pháp để bảo đảm sự phát triển chung trong tình hình ngày càng khó khắn, hạn chế về nguồn ngân sách nhà nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.