Thứ sáu, 20/12/2024 15:14 GMT+7

Nâng cao tiềm lực KH&CN của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý

Ngày 18/12/2024 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo Chương trình phát triển vật lý giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1187).
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên cho biết, Chương trình 1187 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 04/8/2020. Chương trình đặt ra 3 mục tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp; phân công cho 5 bộ, ngành thực hiện. Sau 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, Chương trình phát triển vật lý giai đoạn 2015-2020 đã đạt được những kết quả tích cực, giúp nâng cao vị thế vật lý Việt Nam từ hạng 59 lên hạng 40 trong bảng xếp hạng thế giới của Scimago. Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2025 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 khiến thứ hạng vật lý Việt Nam tụt xuống vị trí 46 vào năm 2023. 
Trong bối cảnh này, Bộ KH&CN đã cùng các bộ, ngành xây dựng báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ gia hạn Chương trình hoặc phê duyệt Chương trình trong giai đoạn 2026-2030 nhằm tháo gỡ khó khăn. Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng trong giai đoạn tới. Theo đó, việc xây dựng và phê duyệt Chương trình sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ KH&CN. 
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu định hướng Hội thảo, ông Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên khẳng định, việc triển khai Chương trình vật lý giai đoạn 2021-2025 là cơ sở quan trọng để xây dựng Chương trình cho giai đoạn tiếp theo; đồng thời kêu gọi các tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài có các ý kiến đóng góp để làm cơ sở báo cáo tổng kết chương trình, nỗ lực hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành ở mức cao nhất. Theo đó, Bộ KH&CN sẽ cùng các bộ, ngành cố gắng tạo mọi điều kiện cho các nhà khoa học, các chủ nhiệm đề tài để cùng nhau đạt được mục tiêu của Chương trình.
Ông Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên phát biểu định hướng Hội thảo.
Báo cáo về kết quả triển khai Chương trình phát triển vật lý giai đoạn 2021-2025, đại diện Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên cho biết, trong thời gian qua, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ đã tích cực triển khai các nội dung của Chương trình, điều phối được kế hoạch của Chương trình lồng ghép trong kế hoạch KH&CN hàng năm của các bộ, ngành; tạo sự phối hợp tốt giữa Bộ KH&CN và các bộ, ngành. Cụ thể, Bộ KH&CN đã xác định được 28 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; các đề tài thuộc Chương trình đều bám sát các mục tiêu, nội dung nghiên cứu, dự kiến các sản phẩm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn; một số nội dung của Chương trình đã triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Nhiều sản phẩm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn góp phần quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh, vị thế của ngành vật lý trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phát huy các mối quan hệ hợp tác lâu dài với đối tác nước ngoài hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu thông qua thí điểm trung tâm xuất sắc; tuyển chọn và nuôi dưỡng các nhóm nghiên cứu tiềm năng, xây dựng và phát triển các chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn với nhóm nghiên cứu mạnh; phát huy tốt việc huy động kinh phí từ các nguồn bên ngoài thông qua hợp tác quốc tế…
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã trao đổi, thảo luận về tình hình triển khai nhiệm vụ và khó khăn, vướng mắc; kinh nghiệm nâng cao tiềm lực KH&CN của Việt Nam trong lĩnh vực Vật lý; gắn kết nghiên cứu lý thuyết với nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu ứng dụng thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc Chương trình; xác định nhiệm vụ và giải pháp phát triển vật lý giai đoạn 2021-2030 đáp ứng các mục tiêu của Chương trình 1187.
Các đại biểu trao đổi ý kiến tại Hội thảo.
Đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN giải đáp thắc mắc của các đại biểu.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 128

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)