Thứ ba, 23/04/2019 17:14 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Quốc hội Phan Xuân Dũng: KH&CN đã thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội

Khoa học và công nghệ (KH&CN) thời gian qua đã có bước tiến quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Điều đó được thể hiện qua tất cả các chỉ tiêu phát triển, thứ bậc tăng trưởng, số lượng bài báo công bố quốc tế, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đánh giá của các bộ ngành về đóng góp của KH&CN,... KH&CN đã thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đó là khẳng định của đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKH, CN&MT) của Quốc hội trong Phiên họp toàn thể lần thứ 9 diễn ra tại Nghệ An. Phiên họp được tổ chức từ ngày 22 - 23/4 để các thành viên UBKH, CN&MT cho ý kiến về dự thảo Báo cáo nghiên cứu, tiếp thu giải trình dự thảo Luật Kiến trúc; nghe Bộ KH&CN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách cho KH&CN, bảo vệ môi trường những tháng cuối năm 2018, đầu năm 2019. Đây là cơ sở để các Đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo kinh tế xã hội tế xã hội tại Kỳ họp thứ 7, đóng góp ý kiến cho Chính Phủ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
 


Toàn cảnh Phiên họp (ảnh: Văn Nguyên)

Tại buổi họp chiều ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã đại diện Bộ KH&CN trình bày báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho KH&CN những tháng cuối năm 2018, đầu năm 2019; việc phân bổ ngân sách chi sự nghiệp KH&CN ở Trung ương và địa phương năm 2019. Đại diện Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng đã có báo cáo bổ sung về vấn đề nói trên.   

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, ngành KH&CN đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về gắn kết nhiệm vụ KH&CN với ngành/lĩnh vực trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ và bước đầu đã đạt được các kết quả quan trọng.

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN với chất lượng ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KH&CN và ĐMST; các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng; giúp các cơ quan nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an  ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

KH&CN đã tham gia, đóng góp đáng để cho phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh với việc góp phần vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 9,4% năm 2017, cao hơn mức tăng 7,4% của năm 2016; đóng góp trên 30% giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Đầu năm 2019, trước tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT triển khai ngay nhiệm vụ để nghiên cứu công nghệ chế tạo kít chẩn đoán nhanh virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi; 87% các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất; đạt được nhiều kết quả trong chẩn đoán, điều trị, khám chữa bệnh, y tế dự phòng, đặc biệt đã làm chủ các quy trình ghép các tạng như: Tim, gan, thận, phổi, tụy - thận (đa tạng), nhiều kỹ thuật đã trở thành thường quy, áp dụng rộng rãi. Việt Nam trở thành nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được vắc xin phối hợp Sởi - Rubella và một trong 43 nước sản xuất được vắc xin với giá chỉ bằng một nửa so với vắc xin nhập ngoại...
 


Đồng chí Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN trình bày báo cáo của Bộ KH&CN tại Phiên họp (ảnh: Văn Nguyên)

Tại địa phương, các tỉnh/thành phố đã tập trung ban hành nhiều văn bản về cơ chế chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; chú trọng ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, trọng điểm, sản phẩm đặc sản của địa phương; thúc đẩy hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa;... Đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sự vào cuộc đầu tư ngày càng mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: VinGroup, TH True Milk, FLC,... và cả các tập đoàn nước ngoài tham gia hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) như: Néstle, Syngenta...

Cùng với đó, tập trung phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN thông qua điều tra, tìm hiểu nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp để triển khai tư vấn và kết nối cung - cầu; xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu công nghệ;... Hiện, cả nước có 8 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp KH&CN và nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, sở hữu trí tuệ, đất đai, tín dụng,... Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đã được phát triển toàn diện với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, số lượng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tăng ở cả khu vực tư nhân và công lập, Cổng Thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia đã cung cấp kịp thời các thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam,...

Cùng với đó, chất lượng, hiệu quả và trình độ nghiên cứu trong nước ngày càng tăng. Theo cơ sở dữ liệu Scopus, số bài báo của Việt Nam công bố trên các tạp chí KH&CN quốc tế giai đoạn 2014 - 2018 tăng hơn gấp đôi, từ 4.071 bài lên 8.821 bài, đặc biệt tăng mạnh trong 3 năm vừa qua.

Khơi thông các nguồn lực đầu tư cho KH&CN

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, việc giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách sự nghiệp (NSSN) khoa học năm 2018 của các Bộ, ngành đã bảo đảm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm phân bổ, giao dự toán NSSN khoa học cho các đơn vị trực thuộc đúng dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2019, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong thực hiện các quy định về lập, phân bổ dự toán. Đồng thời hướng dẫn nội dung kế hoạch và dự toán NSSN KH&CN năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương theo đúng quy định. Đến nay, về cơ bản các Bộ, ngành, địa phương đã bám sát hướng dẫn của Bộ KH&CN và đã bảo đảm phân bổ, giao dự toán NSSN khoa học cho các đơn vị trực thuộc đúng theo số đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Hiện nay, trong tổng kinh phí chi hoạt động KH&CN thì NSNN chiếm khoảng 52%, chi từ doanh nghiệp chiếm 48%. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ so với tỷ lệ 70/30 của giai đoạn trước (2011 - 2015). Kinh phí ngoài ngân sách cho hoạt động KH&CN đang ngày càng tăng cao, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức vai trò của KH&CN trong phát triển bền vững, do đó tăng cường đầu tư cho phát triển KH&CN đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, TH true MILK, Vingroup, Thaco,... Năm 2015 có khoảng 200 doanh nghiệp lập Quỹ phát triển KH&CN, đến năm 2018 đã có trên 600 doanh nghiệp lập quỹ, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết thêm.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31/12/2018, tổng vốn NSNN bố trí cho KH&CN giải ngân xấp xỉ đạt 100% kế hoạch vốn giao năm 2018 ở khối Trung ương. Năm 2018, ngành KH&CN không có nợ đọng xây dựng cơ bản. Bộ KH&ĐT đã ban hành văn bản số 4028/BKHĐT-TH ngày 14/6/2018 hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương về khung hướng dẫn đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016 – 2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019. Về các nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2019, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, cần tiếp tục tăng cường tiềm lực KH&CN của đất nước; tăng năng suất lao động và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật, áp dụng KH&CN mới vào sản xuất; hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung đầu tư cho các ngành KH&CN mũi nhọn phù hợp với điều kiện đất nước; tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật KH&CN thiết yếu cho các trường, viện và trường đại học công lập định hướng nghiên cứu ứng dụng và triển khai; tiếp tục bố trí vốn để triển khai các dự án ODA đã đủ thủ tục đầu tư, những dự án đã ký Hiệp định; tiếp tục xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng 4.0; xây dựng hành lang pháp lý và bước đầu triển khai xây dựng Trung tâm ĐMST Quốc gia.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, việc bố trí chi NSNN cho phát triển KH&CN tính cả chi KH&CN trong an ninh, quốc phòng và từ nguồn thu nhập trước thuế để lại cho doanh nghiệp đầu tư KH&CN theo quy định đã cơ bản bảo đảm mục tiêu Nghị quyết Trung ương, đạt mức 2% tổng chi NSNN. Đối với ngân sách địa phương, trên cơ sở thảo luận với địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ KH&CN để phân bổ cho từng địa phương căn cứ vào nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối (nếu có) và đảm bảo chi phí sự nghiệp KH&CN của từng địa phương có mức tăng hợp lý, thể hiện sự ưu tiên trong bố trí chi NSNN cho lĩnh vực KH&CN theo đúng chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Luật NSNN. Việc quản lý và sử dụng ngân sách chi sự nghiệp KH&CN gắn với nhiệm vụ của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, do các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ chịu trách nhiệm thực hiện đảm bảo theo đúng các quy định của nhà nước về quản lý tài chính NSNN, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu phát triển KH&CN ở trung ương và địa phương.

Tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí cho rằng thời gian qua KH&CN đã có những đóng góp lớn trong việc phát triển các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, năm 2020 là thời điểm ngành KH&CN cần đạt được các mục tiêu chiến lược đặt ra, do đó, ngành cần có các giải pháp đột phá; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ; Hiện một số tập đoàn lớn như Viettel, Vingroup,... nhờ đầu tư cho KH&CN đã có những bước đột phá rất lớn, giúp doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động. Ngành KH&CN cần có thêm giải pháp để huy động cao hơn nữa đóng góp của doanh nghiệp đối với phát triển KH&CN; Đối với các tổ chức KH&CN, cần đẩy mạnh hơn nữa cơ chế tự chủ để khuyến khích việc chuyển giao sản phẩm nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu theo đặt hàng, gắn nghiên cứu với ứng dụng,...

 


Đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội phát biểu tại Phiên họp (ảnh: Văn Nguyên)

Phát biểu tại buổi họp, Chủ nhiệm UBKH,CN&MT Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, qua báo cáo, qua thảo luận và đánh giá của các Đại biểu Quốc hội cho thấy, KH&CN thời gian qua có bước tiến quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Điều đó được thể hiện qua tất cả các chỉ tiêu phát triển, thứ bậc tăng trưởng, số lượng bài báo công bố quốc tế, chỉ số ĐMST toàn cầu và đánh giá của các bộ ngành về đóng góp của KH&CN,... “Như vậy, KH&CN đã thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh”, đồng chí Phan Xuân Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó cũng có những bất cập cần giải quyết trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trong đó cần nêu rõ kết quả đạt được, hạn chế và các kiến nghị. Đối với Ủy ban KH, CN&MT, đồng chí đề nghị hoàn chỉnh báo cáo ý kiến của Ủy ban thẩm tra để gửi trước Kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp diễn ra vào 20/5.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5090

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)