Thứ hai, 08/10/2018 16:32 GMT+7

Nghiên cứu vật mang virus đốm trắng (WSSV) gây bệnh trên tôm nuôi nước lợ và đề xuất giải pháp kiểm soát

Bệnh đốm trắng do virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) trên tôm nuôi được ghi nhận lần đầu tiên tại Đài Loan năm 1992, sau đó bệnh được phát hiện và xác định là nguyên nhân gây tỷ lệ chết cao cho tôm nuôi ở nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam năm 1993, Malaixia năm 1994, Mỹ năm 1995. Cho đến nay, bệnh đốm trắng đã xuất hiện và vẫn đang là mối nguy hiểm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tôm trên toàn thế giới.

 

 

WSSV có khả năng lan truyền phức tạp theo cả hai chiều ngang và dọc. Quá trình thực hiện kiểm soát theo chiều dọc ở trong trại sản xuất giống đã được triển khai và có hiệu quả do nguồn nước, thức ăn, bố mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát. Tuy nhiên, hiện tượng WSSV lan truyền theo chiều ngang ở hộ nuôi đơn lẻ cũng như vùng nuôi công nghiệp đối với tôm nuôi thương phẩm vẫn còn là thách thức cho các cán bộ kỹ thuật cũng như các nhà quản lý. Để thuận lợi cho việc kiểm soát WSSV lây nhiễm theo chiều ngang, việc nghiên cứu xác định các sinh vật có khả năng mang mầm bệnh WSSV là hết sức quan trọng. Do vậy, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I do bà Phạm Thị Vân làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu vật mang virus đốm trắng (WSSV) gây bệnh trên tôm nuôi nước lợ và đề xuất giải pháp kiểm soát” trong thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2016.

Tại ao nuôi thâm canh, đề tài đã thu được 7 loài giáp xác cỡ lớn, 5 loài nhuyễn thể (trong đó 4 loài thuộc động vật đáy), 1 loài cá, 67 loài thực vật phù du và 18 loài động vật phù du bao gồm luân trùng và giáp xác chân chèo. Kết quả phân tích xác định được 1 loài thuộc giáp xác (tôm càng - M.nipponense) nhiễm vi rút WSSV (14,8%) trong điều kiện tự nhiên, mẫu thu được trong ao có tôm nhiễm bệnh WSSV.

Tại trại sản xuất giống, có 13 loài thức ăn tươi sống được sử dụng nuôi vỗ tôm bố mẹ. Kết quả phân tích cho thấy 1 loài Giun cát (Perinereis nuntia) sử dụng làm thức ăn cho tôm bố mẹ thu tại Khánh Hòa nhiễm WSSV với tỷ lệ 32,07%, trong khi đó 12 loại thức ăn khác còn lại đều có kết quả âm tính với chỉ tiêu phân tích WSSV.

Kết quả phân tích vi rút đốm trắng trong mẫu nước và bùn đáy thu trong ao có tôm nhiễm vi rút đốm trắng cho thấy có 57,6% mẫu dương tính với WSSV. Kết quả gây nhiễm WSSV lên 6 loài sinh vật có mặt phổ biến ở ao lắng và nguồn kênh cấp nước vào cho thấy, có 3 loài (cáy đỏ - Uca arcuata, tôm càng - M. nipponense và tôm gai - M. amazonicum) nhiễm WSSV và đã lây truyền sang tôm nuôi khi chúng được nuôi nhốt trong cùng môi trường nước. Trong khi đó 3 loài còn lại bao gồm ốc đinh, cá bống và nòng nọc ếch không nhiễm WSSV trong điều kiện thí nghiệm.

Sử dụng hóa chất (Chlorine-70, BKC-80, Iodine-95 và Virkon A) kiểm soát sinh vật mang WSSV và xác định khả năng diệt vi rút WSSV. Kết quả thử nghiệm cho thấy, duy chỉ có chlorine -70 có hiệu quả diệt vi rút đốm trắng và sinh vật ở nồng độ 25ppm (nồng độ tính cho lượng chlorine nguyên chất), ba loại hóa chất không có khả năng diệt vi rút WSSV. Do đó, giải pháp kiểm soát bệnh WSSV ở ao nuôi tôm cần thiết phải kết hợp biện pháp sinh học và có sự hỗ trợ hóa chất (chlorine) trong quá trình xử lý ao lắng.

Giải pháp kiểm soát sinh vật mang WSSV ở mô hình thực hiện cho thấy, các ao nuôi thuộc mô hình tôm không bị bệnh đốm trắng đồng thời trong suốt cả vụ nuôi không xuất hiện bất kỳ sinh vật nào ngoài tôm thẻ ở trong ao. Tuy nhiên sản lượng đạt được của các ao tương tự như các năm trước (0,9 - 2,4kg/m2) , tôm nuôi vẫn có hiện tượng chết rải rác khi điều kiện khí hậu thay đổi đột ngột.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra mối nguy cơ sinh học là nguồn mang mầm bệnh WSSV tiềm ẩn, là tiền đề có tính khoa học đưa ra các đề xuất giải pháp sinh học mang tính chất thân thiện với môi trường và có hiệu quả ngăn ngừa/loại bỏ sự có mặt của các vật chủ mang mầm bệnh WSSV trong quá trình nuôi tôm nước lợ, loại bỏ mắt xích lan truyền bệnh đốm trắng, góp phần khống chế hiệu quả bệnh đốm trắng cho nghề nuôi tôm công nghiệp.

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14005) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 8801

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)