Toàn cảnh buổi làm việc về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Dự buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn).
Về phía Bộ KH&CN có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Văn Hậu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Hà Minh Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Trọng Bình.
Về phía tỉnh Sơn La có Bí Thư tỉnh ủy Hoàng Văn Chất, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Sơn La…
Nông nghiệp có nhiều khởi sắc
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 9,59%, đứng thứ 05/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc; thu ngân sách nhà nước trên 4.500 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt 34,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn từ 42,3% xuống còn 34,05%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 28,44%.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch, chỉ đạo quán triệt và ban hành Chương trình hành động tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Gắn việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều vùng nông sản nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm xuất khẩu, xuất khẩu quả tươi và cung ứng cho thị trường trong nước. Đời sống nông dân được cải thiện, thu nhập tăng qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Công tác phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng nông thôn được quan tâm, chất lượng giáo dục được nâng lên. Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 828 trường mầm non và phổ thông, tăng 19% so với năm học 2007-2008. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn được quan tâm triển khai thực hiện, số bác sỹ/10.000 dân tăng từ 4,79 lên 7,11; tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân đạt 23,11; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 73,6% lên 95,4%.
Việc triển khai thực hiện các dự án, rà soát, bổ sung quy hoạch cơ cấu lại sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các sản phẩm chủ lực theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương và 03 vùng kinh tế (Vùng dọc Quốc lộ 6, Vùng dọc sông Đà và Vùng cao, biên giới). Cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tăng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa; giảm diện tích trồng ngô, sắn, lúa nương trên đất dốc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung (chè, cà phê, cao su, nhất là cây ăn quả).
Ngoài ra, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh đã phát triển mạnh, năm 2017 toàn tỉnh có 101 cơ sở chế biến, tăng 197% so với năm 2008; gắn phát triển các cơ sở chế biến với các vùng nguyên liệu tập trung. Giai đoạn năm 2008-2017, đã hỗ trợ trên 250 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa nông sản; tổ chức 15 hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh với doanh nghiệp các tỉnh khác…
Cũng theo ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, với việc tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2013 đến hết tháng 3/2018 tỉnh huy động được hơn 2 nghìn tỷ đồng để làm đường bê tông, với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, 161/188 xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, đạt 85,6%. So với năm 2008, đến nay Sơn La đã đầu tư cấp điện mới cho 10 xã, đưa tổng số xã có điện lên 188 xã, đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia.
Quan tâm chuyển giao kết quả KH&CN vào thực tế
Hiện nay, tỉnh Sơn La đã phát triển trang trại sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tập trung nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn. Giai đoạn 2008-2017, tỉnh đã triển khai 104 nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 50% tổng số đề tài, dự án được triển khai. Đến nay, đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Đánh giá về hoạt động KH&CN của tỉnh, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, năm 2017 và 2018 tỉnh Sơn La đã phê duyệt triển khai thực hiện 02 dự án từ nguồn cân đối ngân sách của tỉnh. Đó là, Dự án Đầu tư xây dựng công trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu (tổng kinh phí 45 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020); dự án xây dựng trụ sở và tăng cường tiềm lực Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (tổng kinh phí 14,9 tỷ đồng, thực hiện năm 2017-2018).
Sơn La triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Góp phần quan trọng phục vụ sản xuất đời sống, phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Công tác ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được quan tâm. Nhiều mô hình sản suất mới được ứng dụng và nhân rộng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất địa phương.
Hoạt động sở hữu trí tuệ được quan tâm đẩy mạnh, góp phần mạnh mẽ trong việc thương mại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm đặc sản của tỉnh như: Mật ong Sơn La; Xoài tròn Yên Châu; Chè Olong Mộc Châu, Chè Tà Xùa; Nhãn Sông Mã; Cà phê Sơn La… Hoạt động quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và hạt nhân được chú trọng. Tập trung vào các nội dung: thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư; quản lý an toàn bức xạ. Công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN được đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh đã có 09 doanh nghiệp KH&CN được thành lập. Hoạt động thanh tra, kiểm tra nhà nước về KH&CN được tăng cường, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong việc quản lý, giám sát, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, an toàn vệ sinh thực phẩm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh Sơn La cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đã đặt ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lò Minh Hùng cũng cho rằng, hoạt động KH&CN tỉnh Sơn La cũng gặp một số khó khăn như, các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ chưa nhiều, trình độ công nghệ đều ở mức trung bình và trung bình tiên tiến. Cùng với đó là hoạt động phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh Sơn La còn gặp nhiều khó khăn do đa phần các doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé, trình độ công nghệ lạc hậu, tiềm lực kinh tế hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn, đổi mới công nghệ, thiết bị chưa cao. Hoạt động phát triển thị trường công nghệ mới chỉ thực hiện qua việc tham gia Chợ công nghệ và thiết bị Techmart hàng năm do Bộ KH&CN tổ chức. Đầu tư cho KH&CN chủ yếu là sử dụng ngân sách nhà nước, chưa huy động được các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN.
“Mối liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu. Ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN của tỉnh trong những năm qua tuy đã được Bộ KH&CN quan tâm, hỗ trợ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, ông Lò Minh Hùng cho hay.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) tại tỉnh Sơn La.
Kết luận tại buổi làm việc Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Kế hoạch của Tỉnh ủy đã đáp ứng được yêu cầu của Ban Chỉ đạo Nghị quyết. Trong Chương trình hành động đều có những yêu cầu phối hợp giữa Bộ KH&CN và tỉnh với kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp Ủy, Đảng. Điều đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho người nông dân. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng khi sơ kết 5 năm đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết, nhưng đóng góp còn thấp, vì vậy cần có những mô hình liên kết sản xuất và sự vào cuộc của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị cần rà soát báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trong Bộ nghiên cứu triển khai chương trình hỗ trợ cho tỉnh Sơn La về nghiên cứu, ứng dụng phục vụ cho chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cùng Đoàn công tác đã đến thắp hương tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Nhà tù Sơn La.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cùng Đoàn công tác đến thăm mô hình xây dựng nông thôn mới tại xã Chiềng Xôm, Thành phố Sơn La.
Lãnh đạo Bộ KH&CN tặng quà cho bà con xã nông thôn mới Chiềng Xôm, Thành phố Sơn La.