Thứ sáu, 19/05/2017 19:27 GMT+7
Hội thảo quốc tế “Các giải pháp tích hợp cho sự phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đất, nước và năng lượng và khí hậu”
Trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức (được ký kết ngày 25/11/2015 tại Berlin), ngày 16/5/2017, tại thành phố Cà Mau, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức (BMBF) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ Ba về chủ đề “Các giải pháp tích hợp cho sự phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đất, nước và năng lượng và khí hậu”.
Chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau - Ông Lê Văn Sử và Vụ trưởng Vụ Tài nguyên và Phát triển bền vững Bộ BMBF - Ông Ulrich Katenkamp. Đến dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các Bộ/ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, đại diện Lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Địa chất Khoáng sản…
Hội nghị đã nghe tham luận của các nhà khoa học và địa phương (tỉnh Cà Mau) về tác động của biến đổi khí hậu cùng việc khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng ven biển trong những năm gần đây. Cụ thể là: Xâm nhập mặn ngày càng sâu; Diễn biến lũ về hàng năm không theo quy luật; Thiếu nguồn nước ngọt cung cấp cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ; Lượng phù sa và dinh dưỡng giảm sụt mạnh; Xói lở bờ biển diễn biến hết sức phức tạp; Mực nước ngầm giảm sụt nghiêm trọng, đồng thời sụt lún đất diễn biến ra tăng trên diện rộng; Ô nhiễm môi trường cũng gia tăng, đe dọa đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Với mục tiêu nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt trên đây, Hội nghị đã tập trung thảo luận về định hướng nghiên cứu của 03 trụ cột chính đó là: (1) Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất và nước cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; (2) Công nghệ về nước và năng lượng; (3) Dịch vụ nước và môi trường. Theo đó, Hội thảo đã bước đầu xác định được các vấn đề nghiên cứu phục vụ thiết thực cho nhu cầu của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết luận tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh đã đánh giá cao sự nỗ lực trong quá trình xây dựng định hướng nghiên cứu của các nhà khoa học của Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam trong hơn 01 năm qua, đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ BMBF trong thời gian qua đã dành một nguồn tài trợ không nhỏ cho các chương trình, dự án hợp tác với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh đã nhấn mạnh, sau Hội thảo này, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học của Công hòa Liên bang Đức và Việt Nam cần sớm hoàn thiện các đề xuất về định hướng nghiên cứu để có thể trình Bộ BMBF và Bộ KH&CN xem xét phê duyệt.