Thứ bảy, 22/04/2017 17:38 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ký kết chương trình phối hợp công tác

Chiều 21/4, tại Tp. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KH&CN và Đại học Quốc gia Tp. HCM (ĐHQG-HCM) giai đoạn 2017 – 2020.

Cùng tham dự Lễ ký có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Phó Giám đốc ĐHQG-HCM Nguyễn Hội Nghĩa; Phó Giám đốc ĐHQG-HCM Dương Anh Đức; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM.
 


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (bên trái) và Giám đốc Huỳnh Thành Đạt (bên phải) ký thỏa thuận hợp tác

 

Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ - nhiệm vụ trọng tâm

Nằm trong khu vực phía Nam, ĐHQG-HCM là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao đạt trình độ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội đất nước, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Kế hoạch Chiến lược phát triển 2016-2020, tầm nhìn đến 2030 của ĐHQG-HCM đã xác định mục tiêu phát triển hệ thống và hoàn thiện mô hình tổ hợp (hệ thống) ĐHQG-HCM trên cơ sở của tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình và trách nhiệm tương ứng. Một trong những chủ trương lớn của ĐHQG-HCM là tập trung xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm (PTN) với các trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo chất lượng cao. Từ 2001 đến nay, ĐHQG-HCM đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống khoảng 80 PTN trải rộng khắp các lĩnh vực KH&CN trọng điểm...

Giai đoạn 2011-2015, đã triển khai 139 đề tài cấp Nhà nước, 691 đề tài cấp ĐHQG-HCM, 93 đề tài cấp tỉnh thành. Các đề tài, dự án KH&CN rất đa dạng, tập trung vào những chương trình KH&CN trọng điểm. Hoạt động NCKH đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phát triển các công nghệ mới, tạo ra các sáng chế khoa học.

Mục tiêu ĐHQG-HCM hướng tới là đến năm 2020 trở thành một hệ thống gồm các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp KH&CN mạnh, không khép kín cả về địa giới lẫn hoạt động chuyên môn; là trung tâm đào tạo chất lượng cao ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đóng vai trò chủ yếu trong cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; là trung tâm NCKH và CGCN mạnh, góp phần thúc đẩy và định hướng phát triển KH&CN của cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam,…

Với mục tiêu đó, nhiều năm qua ĐHQG-HCM đã kiên trì theo đuổi chiến lược tổng thể nhằm xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN theo hướng gắn các hoạt động KH&CN với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của điạ phương và hội nhập quốc tế. Trong quá trình triển khai, ĐHQG-HCM tập trung vào các nhiệm vụ KH&CN trọng tâm: Xây dựng và khai thác hiệu quả các nguồn nhân vật lực KH&CN; Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh; Gắn kết NCKH với đào tạo, đẩy mạnh hoạt động NCKH trong cán bộ trẻ và sinh viên; Gắn hoạt động KH&CN với nhu cầu địa phương, hội nhập và hợp tác quốc tế; Xây dựng và phát triển các tổ chức KH&CN tự chủ tiến đến thành lập các doanh nghiệp KH&CN; Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN.

Đến nay nhiều nhóm nghiên cứu đã được hình thành và có khả năng tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, tạo dựng được các mối quan hệ hợp tác KH&CN hiệu quả trong và ngoài nước. Với sự quan tâm và đầu tư có định hướng, ĐHQG-HCM đã đạt được những thành quả KH&CN quan trọng, gây được tiếng vang trong nước, đã và đang góp phần vào sự thành công trong bước đường đi lên Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa của đất nước...

Theo Giám đốc ĐHQG-HCM Huỳnh Thành Đạt, những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được ĐHQG-HCM xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển. Theo đó, ĐHQG-HCM sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu KH&CN chất lượng cao, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Để tiếp tục triển khai và thực hiện nhiệm trên, ĐHQG-HCM  luôn cần có sự phối hợp và hỗ trợ từ các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ KH&CN.

Phát triển ĐHQG-HCM thành đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực

Bộ KH&CN và ĐHQG-HCM đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017 – 2020. Chương trình hợp tác hướng đến mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 về “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa hai bên để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020; Góp phần phát triển ĐHQG-HCM trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu trong khu vực ASEAN.

Theo Chương trình, hai bên sẽ hợp tác triển khai hiệu quả “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”; phối hợp triển khai các chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển theo thế mạnh của ĐHQG-HCM để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng. Đồng thời, phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ cho khu vực doanh nghiệp và các nhóm nghiên cứu ứng dụng làm chủ công nghệ; phối hợp lựa chọn, hình thành và đầu tư phát triển một số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thuộc ĐHQG-HCM đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia; phối hợp tổ chức triển khai kịp thời các nhiệm vụ đột xuất đáp ứng yêu cầu của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Bộ KH&CN hỗ trợ ĐHQG-HCM thực hiện “Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Triển khai, thực hiện các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ; Triển khai các hoạt động về doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Triển khai một số chương trình nghiên cứu KH&CN cấp Bộ theo những hướng nghiên cứu ĐHQG-HCM có thế mạnh; Nâng cấp Tạp chí “Phát triển Khoa học và Công nghệ” của ĐHQG-HCM đạt chuẩn quốc tế.

Định kỳ hàng năm, căn cứ vào các nội dung hợp tác nêu trên, hai bên giao cho các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và đưa vào kế hoạch KH&CN; tổ chức họp sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, các nhiệm vụ phối hợp để rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm tiếp theo. Kết thúc giai đoạn hợp tác, bai bên tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phối hợp cho giai đoạn mới.

Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, với đội ngũ hơn 3.000 cán bộ giảng viên, 38% là tiến sĩ, hàng chục phòng thí nghiệm, trong đó 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sự hợp tác, ký kết giữa Bộ và ĐHQG-HCM sẽ là một bước cụ thể hoá các đường lối chủ trương chung của Đảng về phát triển KH&CN.

Theo Bộ trưởng, nghiên cứu cơ bản của ĐHQG-HCM đã tiếp cận trình độ quốc tế, đứng top đầu cả nước về công bố quốc tế. Bộ KH&CN đánh giá rất cao ĐHQG-HCM bởi sự chủ động trong việc kết nối với doanh nghiệp và địa phương, quốc tế,... và cả những thành tựu đóng góp cho kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ĐHQG-HCM còn có Trung tâm về sở hữu trí tuệ và cần phát triển mạnh hơn nữa việc khai thác, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kết nối với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tế, lấy doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo.

“Tp. Hồ Chí Minh- khu vực có trách nhiệm là đầu tàu KH&CN cả nước, ĐHQG-HCM đương nhiên cũng là đầu tàu. Sắp tới, tầm nhìn của ĐHQG-HCM hướng đến là Châu Á, là thế giới nên đòi hỏi thực tiễn là chúng ta phải sát cánh bên nhau để thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động này”, Bộ trưởng khẳng định.

Giám đốc ĐHQG-HCM Huỳnh Thành Đạt cảm ơn Lãnh đạo Bộ KH&CN đã có chủ trương và cảm ơn các đơn vị liên quan đã cùng phối hợp, hỗ trợ để tổ chức Chương trình phối hợp nói trên, đồng thời nhấn mạnh, đây là một cột mốc quan trọng, là một vinh dự cho ĐHQG-HCM. Chương trình tạo điều kiện cho ĐHQG-HCM, đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên của ĐHQG-HCM có cơ hội lớn, thuận lợi trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng.  

“ĐHQG-HCM nhận thức đầy đủ đây là một trách nhiệm. Sau Lễ ký kết, Ban Giám đốc sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan sẽ xúc tiến, tìm các chương trình, nhiệm vụ, dự án liên quan, gắn chặt với những nội dung ký kết để đảm bảo tiến độ, kết quả công việc, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển KH&CN và kinh tế xã hội đã được giao”, Giám đốc Huỳnh Thành Đạt khẳng định.
 


Lãnh đạo Bộ KH&CN, Lãnh đạo ĐHQG-HCM và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5475

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)