Thứ bảy, 22/04/2017 15:20 GMT+7

Đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng

Sáng 21/4, tại Ninh Bình, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình đã tổ chức Hội thảo “Liên kết, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng”.

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị của Bộ KH&CN, các Sở KH&CN, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN vùng Đồng bằng sông Hồng; các doanh nghiệp trong nước đang sản xuất nông nghiệp và đại điện các hợp tác xã; Lãnh đạo các Viện nghiên cứu, nhà khoa học và các chuyên gia công nghệ; các doanh nghiệp quốc tế đến từ Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hà Lan.

Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất rau, hoa quả an toàn; trồng và chế biến dược liệu của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
 


Toàn cảnh Hội thảo

 

Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng được Chính phủ đặt ra mục tiêu là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế.

Trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chìa khoá giúp Đồng bằng sông Hồng tiếp tục thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khẳng định vai trò là “động lực” cho sự phát triển chung của cả nước.

Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình Hoàng Trọng Lễ nhấn mạnh, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm về rau quả. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất rau lớn nhất cả nước nhưng sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn... Vì vậy, việc hỗ trợ, nâng cao năng lực ứng dụng và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp an toàn trong vùng Đồng bằng sông Hồng rất quan trọng.

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, trong đó KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp. 

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng Lan khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với phát triển kinh tế vùng là do công nghệ chậm được đổi mới đang làm hạn chế lớn đến hiệu quả, sức cạnh tranh của sản xuất và nâng cao năng suất lao động trong vùng. Hình thức tổ chức sản xuất nhỏ, thiếu liên kết các khâu, các ngành theo chuỗi giá trị làm hạn chế quá trình phát triển sản xuất hàng hóa tập trung và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó là tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp là vấn đề đặt ra đối với yêu cầu về giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho dân số nông nghiệp ở nông thôn Đồng bằng sông Hồng. Chưa có cơ chế hợp tác liên kết 5 nhà (Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà nông và Nhà băng) trong sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở nông thôn trong vùng.

“Với tiềm năng, thế mạnh cũng như khó khăn, thách thức đặt ra cho lĩnh vực nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn hiện nay, vai trò và tác động của KH&CN có ý nghĩa quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng”, bà Trần Thị Hồng Lan nhấn mạnh.



Bên lề Hội thảo các đại biểu đã tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của một số Sở KH&CN

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung trọng tâm nhằm tìm ra giải pháp để có thể xác định được nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ và mô hình liên kết 5 nhà, hợp tác công tư hiệu quả theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Làm sao để lựa chọn được các công nghệ, mô hình ứng dụng KH&CN có chất lượng, hiệu quả, phù hợp cho vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt đối với cây trồng và rau màu trong quá trình liên kết sản xuất theo chuỗi từ khâu chọn tạo giống, canh tác, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Các đại biểu đã  đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy hoạt động liên kết, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong khuôn khổ Hội thảo, từ thực tế về nhu cầu hợp tác đầu tư, nhu cầu về một số công nghệ mới và mô hình ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng, các chuyên gia tư vấn công nghệ đã tư vấn công nghệ và giải pháp công nghệ phù hợp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu.



Mô hình trồng rau an toàn trong nhà với ưu điểm trồng được nhiều loại cây trái mùa, không phụ thuộc vào thời tiết bên ngoài

 

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 5385

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)