Kết thúc khóa họp Đại hội đồng IAEA lần thứ 56

Thứ tư, 26/09/2012 09:30 GMT+7
Khóa họp lần thứ 56 Đại hội đồng IAEA được tổ chức tại Trụ sở của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ở thủ đô Viên, Cộng hòa Áo từ ngày 17 đến 21 tháng 9 năm 2012. Tham gia khóa họp có trên 3000 đại biểu đến từ 155 quốc gia thành viên, các...

Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại Diễn đàn khoa học

Cùng với phiên toàn thể của Đại hội đồng, đã có rất nhiều sự kiện được tổ chức bên lề khóa họp. Diễn đàn khoa học về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong việc bảo đảm an toàn và an ninh lương thực được tổ chức trong 2 ngày 18 và 19/9. Ngoài ra còn rất nhiều sự kiện khác liên quan đến các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân, khoa học hạt nhân và ứng dụng, và hợp tác kỹ thuật.

Tại Khóa họp lần này, 04 quốc gia là Cộng hòa Fiji, Cộng hòa Trinidad và Tobago và Cộng hòa San Marino đã được kết nạp trở thành thành viên của IAEA. Cũng tại Khóa họp này, 11 nước là Algeria, Argentina, Costa Rica, Hy Lạp, Libya, Nigeria, Na-uy, Pakistan, Phần Lan, Thái Lan và Uruguay đã được bầu vào Hội đồng Thống đốc của IAEA với nhiệm kỳ 2 năm.

Phát biểu khai mạc Đại hội đồng IAEA, ngài Tổng Giám đốc (TGĐ) Yukiya Amano đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA với hàng trăm dự án đã giúp cho các nước đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp. Phòng thí nghiệm của IAEA tại Seibersdorf đã đóng vai trò quan trọng trong sứ mạng này cùng với các hoạt động về thanh sát hạt nhân. Ngoài ra, ngài TGĐ cũng nhấn mạnh vai trò của Phòng thí nghiệm môi trường của IAEA tai Monaco đã có đóng góp tích cực trong việc giải đáp các quan tâm của các quốc gia thành viên về các hiện tượng môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu.

Về điện hạt nhân, Ngài TGĐ cho rằng 18 tháng sau tai nạn Fukushima, điện hạt nhân vẫn được xem là một lựa chọn quan trọng của nhiều nước để bảo đảm an ninh năng lượng. Một số cường quốc điện hạt nhân ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc vẫn có kế hoạch mở rộng chương trình điện hạt nhân. Tiểu vương quốc Ả rập (UAE) đã cấp phép xây dựng 4 lò phản ứng loại 1400 MW. Việt Nam và Bangladesh được nhắc đến như những nước tiên phong trong khu vực về phát triển điện hạt nhân. Tiếp tục khẳng định những ưu việt của điện hạt nhân trong bảo đảm an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu, ngài TGĐ đã đề cập đến các yêu cầu cao về bảo đảm an toàn sau tai nạn Fukushima và nhấn mạnh vai trò của IAEA trong trợ giúp các quốc gia mới đi vào phát triển điện hạt nhân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn cao nhất được áp dụng trong chương trình điện hạt nhân của các nước.

Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội đồng IAEA lần thứ 56

Về bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân, Ngài TGĐ thông báo nguồn dự trữ đầu tiên trên thế giới về uran độ giàu thấp (LEU) với sự bảo đảm của IAEA đã được thiết lập tại Angarsk của Liên bang Nga, dịch vụ làm giàu và dịch vụ cung cấp uran độ giàu thấp của Anh đã sẵn sàng, Ngân hàng nhiên liệu độ giàu thấp của IAEA đặt tại Kazakhstan cũng đang được thiết lập.

Vấn đề quản lý chất thải hoạt độ cao sống dài vẫn là mối quan tâm lớn trong phát triển điện hạt nhân. Về công nghệ đã cơ bản giải quyết được. Tuy nhiên vấn đề còn lại chính là sự chấp nhận của công chúng. Một số nước đã đạt được tiến bộ lớn trong xây dựng cơ sở chôn chất dưới lòng đất và hy vọng các cơ sở này sẽ được vận hành vào năm 2020 ở Thụy Điển, Phần Lan và Pháp.

Về an toàn hạt nhân, sau tai nạn Fukushima, IAEA đã thông qua kế hoạch hành động về an toàn hạt nhân, trong đó có các dịch vụ tư vấn thẩm định an toàn các nhà máy điện hạt nhân, đánh giá tính hiệu quả của hệ thống pháp quy và hệ thống ứng phó sự cố, đặc biệt đã tổ chức soạn thảo bổ sung các tiêu chuẩn an toàn. Các hoạt động này nhằm làm cho các nhà máy điện hạt nhân sẽ được bảo đảm an toàn hơn. Ngài TGĐ cũng thông báo về Hội nghị cấp Bộ trưởng về an toàn hạt nhân được tổ chức tại Fukushima, trong đó sẽ có tổng kết của các chuyên gia về các bài học kinh nghiệm của tai nạn này.

Về an ninh hạt nhân, đây là một ưu tiên của IAEA. Ngài TGĐ đã nhấn mạnh các hoạt động của IAEA trong lĩnh vực này và đề nghị các quốc gia thành viên cần nhanh chóng phê chuẩn phần sửa đổi của Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân.

Về kiểm chứng hạt nhân, Ngài TGĐ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các hiệp định thanh sát hạt nhân với các quốc gia thành viên và cho rằng hiện nay việc thực hiện hiệp định thanh sát hạt nhân với 3 quốc gia là Iran, Bắc Triều tiên và Syri còn chưa được triển khai tốt chủ yếu là do các quốc gia này không tuân thủ đầy đủ các quy định của Hiệp định thanh sát. Ngoài ra, việc triển khai Hiệp định thanh sát ở khu vực Trung Đông cũng còn có sự khác nhau về nhận thức. Nghị định thư bổ sung (AP) đã có tiến triển tốt với 117 nước đã ký kết. IAEA đã xây dụng một phòng thí nghiệm hiện đại để phân tích vật liệu hạt nhân tại Seibersdorf nhằm phục vụ cho việc triển khai thực hiện Nghị định thư bổ sung.

Về quản lý, Ngài TGĐ đã khẳng định hoạt động của IAEA là hiệu quả và tin tưởng rằng với các nguồn lực của mình IAEA sẽ hoàn toàn thực hiện tốt các sứ mạng của mình về hợp tác kỹ thuật, an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân.

Diễn đàn khoa học được IAEA tổ chức thường xuyên cùng với khóa họp Đại hội đồng hàng năm từ năm 1998. Trong nhiệm kỳ TGĐ của ngài Amano, năm 2010 Diễn đàn khoa học là về vấn đề ung thư, năm 2011 về vấn đề nước và năm 2012 về vấn đề nông nghiệp. Đây là những lĩnh vực mà kỹ thuật hạt nhân có nhiều đóng góp quan trọng. Tên của Diễn đàn khoa học năm nay là Lương thực cho tương lai. Đáp ứng các thách thức bằng kỹ thuật hạt nhân là chủ đề của Diễn đàn này. Phát biểu trong phiên khai mạc Diễn đàn có ngài TGĐ và các Bộ trưởng Indonesia, Kenya, Hoa kỳ và Việt Nam. Ngoài phiên khai mạc còn có 3 hội thảo chuyên đề về sản xuất lương thực, bảo vệ lương thực và an ninh lương thực ở đó các nhà khoa học đã trình bày các lợi ích của kỹ thuật hạt nhân trong các vấn đề liên quan.

Khai mạc Diễn đàn, ngài TGĐ đã nhấn mạnh rằng nhu cầu lương thực trên thế giới tăng lên nhanh chóng cùng với sự tăng trưởng dân số. Chiến thắng đói nghèo là ưu tiên hàng đầu hiện nay trên toàn thế giới. Điều cơ bản hiện nay không chỉ là thế giới cần phải sản xuất ra nhiều lương thực hơn, mà chúng ta cũng cần phải bảo vệ mùa màng và súc vật và bảo đảm rằng lương thực mà chúng ta sử dụng phải an toàn. Kỹ thuật hạt nhân có thể tạo ra sự khác nhau thực tế trong tất cả các lĩnh vực này. Mục đích của Diễn đàn là làm cho các nước nhận thức được các công việc quan trọng trong ứng dụng kỹ thuật hạt nhân của IAEA và khuyến khích nhiều nước hơn nữa sử dụng các dịch vụ này của IAEA.

Kỹ thuật hạt nhân có nhiều ứng dụng có khả năng trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp. Đột biến tạo giống bằng bức xạ đã tạo ra các giống cây trồng có chất lượng cao và thích ứng với điều kiện môi trường. Tiệt sinh sâu bệnh bằng bức xạ đã giúp ngăn ngừa được các bệnh cho cây trồng và vật nuôi không phải sử dụng hóa chất độc hại cho môi trường. Bằng kỹ thuật hạt nhân, một số loại bệnh dịch cho cây trồng và vật nuôi đã được loại trừ. IAEA đã hợp tác tích cực với FAO trong sứ mạng thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp.

Các sự kiện khác bên lề của Đại hội đồng đã được tổ chức để thảo luận về các vấn đề liên quan đến sứ mạng của IAEA như năng lượng hạt nhân, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và thanh sát hạt nhân. Ngoài ra còn triển lãm của các nước và các tổ chức quốc tế về các chủ đề liên quan đến năng lượng nguyên tử và triển lãm về các hoạt động của IAEA.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Việt Nam tại Đại hội đồng

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân dẫn đầu đã tham dự Đại hội đồng lần thứ 56 của IAEA. Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm Bộ trưởng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Đại hội đồng IAEA.

Bộ trưởng Nguyễn Quân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội đồng

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IAEA lần thứ 56, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nhấn mạnh các kết quả ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và vai trò hợp tác của IAEA với Việt Nam trong thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, bảo đảm an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân. Bộ trưởng đã thông báo về việc Chủ tịch nước đã phê chuẩn Nghị định thư bổ sung và Nhà nước ta đã hoàn thành các thủ tục để tham gia Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phê chuẩn phần sửa đổi. Bộ trưởng tái khẳng định tại phiên họp Đại hội đồng rằng Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân trong các hoạt động sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Việc phê chuẩn Nghị đinh thư bổ sung và tham gia Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân là một thông tin có ý nghĩa quan trọng đối với IAEA và các đối tác hợp tác về năng lượng nguyên tử với Việt Nam. Đoàn Việt Nam đã nhận được những lời chúc mừng và đề nghị hợp tác, giúp đỡ để triển khai Nghị định thư bổ sung và Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân của IAEA và các nước.

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn khoa học và trả lời phỏng vấn của Bộ phận thông tin tuyên truyền của IAEA, Bộ trưởng đã nhấn mạnh các thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời Bộ trưởng cũng nêu lên một số thành tựu nổi bật trong việc triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhântrong nông nghiệp như tạo giống cây trồng bằng đột biến phóng xạ, quản lý tài nguyên nước, quản lý dinh dưỡng cây trồng, quản lý đất canh tác và chiếu xạ bảo quản, thanh trùng lương thực thực phẩm. Nhiều giống lúa và đậu tương tạo ra bằng đột biến phóng xạ đã được công nhận là giống quốc gia, trong đó giống lúa đột biến phóng xạ VN-95-20 là một trong 5 giống lúa xuất khẩu chủ lực hiện nay củaViệt Nam, các giống đậu tương đột biến phóng xạ được gieo trồng trên 50% diện tích đất canh tác đậu tương trong cả nước. Bộ trưởng cảm ơn sự giúp đỡ của IAEA đối với Việt Nam trong triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước thành viên của IAEA trong triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp.

Trong thời gian tham dự Đại hội đồng, Bộ trưởng đã có các buổi làm việc với ngài TGĐ IAEA và các đoàn Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp và Hàn Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Quân trao đổi với TGĐ IAEA

Tại buổi làm việc với ngài TGĐ Amano, Bộ trưởng đã thông báo về các kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử và tình hình triển khai dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, đồng thời cám ơn sự giúp đỡ của IAEA đã dành cho Việt Nam, mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ của IAEA, đặc biệt cho chương trình điện hạt nhân. Ngài TGĐ đánh giá cao các kết quả và sự hợp tác tích cực của Việt Nam với IAEA. Ngài TGĐ chia sẻ với Bộ trưởng bài học kinh nghiệm từ tai nạn Fukushima, đặc biệt về việc xây dựng cơ quan pháp quy có năng lực và thẩm quyền.

Bộ trưởng đã trao đổi với Chủ tịch Ủy ban năng lượng nguyên tử Nhật Bản Kondo về chính sách phát triển điện hạt nhân của Nhật Bản và nhấn mạnh rằng chính sách phát triển điện hạt nhân của Nhật Bản sẽ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự hợp tác giữa Nhật bản và Việt Nam trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Làm việc với Tổng giám đốc Tổng công ty nhà nước về năng lượng nguyên tử (ROSATOM), ngài Sergey Kirienko, Bộ trưởng thông báo về tình hình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. Ngài Kirienko mong muốn Việt Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và khẩn trưởng làm thủ tục đàm phán về tài chính cho dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân.

Làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ, Bộ trưởng Nguyễn Quân cảm ơn sự giúp đỡ của Ấn Độ dành cho Việt Nam như dự án Pilot Monazit tại Viện Công nghệ Xạ hiếm, Dự án Trung tâm Đào tạo tại Viện Nghiên cứu hạt nhân và dự án máy xạ trị Co-60 cho Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Đồng thời Bộ trưởng đề nghị hai bên cần sớm hoàn thành thủ tục gia hạn Hiệp định hợp tác giữa hai nước về sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử và tổ chức họp phân ban hợp tác về năng lượng nguyên tử giữa hai nước để xử lý các công việc tồn tại như vấn đề mua nguồn phóng xạ Co-60 cho Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ và chuẩn bị kế hoạch hợp tác cho những năm tới trong các lĩnh vực ứng dụng bức xạ, công nghệ xử lý tài nguyên quặng phóng xạ và đào tạo cán bộ.

Làm việc với Đoàn Hàn Quốc do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học dẫn đầu, Bộ trưởng Nguyễn Quân cảm ơn sự giúp đỡ của Hàn Quốc đã dành cho Việt Nam trong nghiên cứu, đào tạo cán bộ, đầu tư xây dựng Trung tâm gia tốc Cyclotron tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và dự án kiểm soát nguồn phóng xạ cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Với sự chứng kiến của Bộ trưởng, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ về xây dựng Trung tâm gia tốc Cyclotron tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.

Bộ trưởng cũng có buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) để thảo luận về hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Phía Pháp mong muốn Việt Nam xem xét lựa chọn ATMEA1 như một ứng viên cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và điều này sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực điện hạt nhân. Ngoài ra, Pháp cũng mong muốn được hợp tác về đào tạo và tư vấn trong triển khai dự án điện hạt nhân của Việt Nam.

Với sự chứng kiến của Bộ trưởng, Biên bản ghi nhớ về Hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam và IAEA đã được ký kết giữa ngài Phó TGĐ Bychkov phụ trách về điện hạt nhân và ngài Nguyễn Bá Sơn, Đại sứ của Việt Nam tại IAEA.

Trong khuôn khổ các hoạt động tại Đại hội đồng IAEA lần thứ 56, Việt Nam đã tổ chức một gian trưng bày các kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử, phát triển điện hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn bức xạ hạt nhân, triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về năng lượng nguyên tử,… và các kết quả hợp tác giúp đỡ của IAEA đã dành cho Việt Nam. Triển lãm đã thu hút sự chú ý của rất nhiều đại biểu đến từ các nước, đặc biệt các quan chức và chuyên gia của IAEA. Các đại biểu đã có cơ hội hiểu rõ hơn về hệ thống tổ chức ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam cũng như các kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử và xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà chúng ta đã thu được trong thời gian qua.

Làm việc với Phòng Châu Á – Thái Bình Dương (TCAP) thuộc Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA, Đoàn Việt Nam được các chuyên gia IAEA thông báo về tình hình triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật giai đoạn 2012-2013 và các dự án dự kiến đề xuất cho giai đoạn 2014-2015. Phòng TCAP đề nghị Việt Nam đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án 2012-2013 và thực hiện tốt việc gửi báo cáo định kỳ về triển khai dự án. Phía Việt Nam đề nghị các trợ giúp của IAEA cho Việt Nam giai đoạn 2014-2015 tập trung để hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân.

Làm việc với Bộ phận về xây dựng cơ sở hạ tầng cho chương trình điện hạt nhân của IAEA, Đoàn Việt Nam được yêu cầu chuẩn bị báo cáo phục vụ cho Đoàn đánh giá tích hợp về cơ sở hạ tầng (INIR) dự kiến sẽ đến Việt Nam vào tháng 12/2012 trên cơ sở các khuyến cáo của Đoàn INIR năm 2009 đã được gửi cho phía Việt Nam. Để chuẩn bị cho Đoàn INIR tháng 12/2012, IAEA yêu cầu một đoàn cán bộ chủ chốt của Việt Nam sẽ có 1 tuần làm việc trước tại IAEA để trao đổi về các công tác chuẩn bị liên quan. Dự kiến đoàn chuyên gia này sẽ được IAEA mời đến trụ sở của IAEA vào trung tuần tháng 10/2012.

Để chuẩn bị cho đoàn đánh giá tích hợp về pháp quy (IRRS) sẽ đến Việt Nam vào tháng 3/2014, Đoàn Việt Nam đã có một buổi làm việc để chuẩn bị cho Đoàn IRRS năm 2014, trong đó phía IAEA đã yêu cầu Việt Nam chuẩn bị báo cáo về hiện trạng pháp quy an toàn cho chương trình điện hạt nhân quốc gia theo hướng dẫn SSG-16 và các yêu cầu khác về an toàn bức xạ, ứng phó sự cố và quản lý chất thải phóng xạ. Để giúp Việt Nam tự xem xét đánh giá về pháp quy của mình, IAEA đồng ý sẽ giúp tổ chức một hội thảo về tự đánh giá pháp quy tích hợp dự kiến trong quý I/2013.

Để hỗ trợ triển khai kế hoạch hành động quốc gia về an ninh hạt nhân cũng như triển khai công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi, Đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với Văn phòng An ninh hạt nhân của IAEA. Hai bên đã thống nhất một số hoạt động phối hợp trong năm 2013, đặc biệt là việc tổ chức một số hội thảo tại Việt Nam liên quan đến vấn đề an ninh hạt nhân.

Làm việc với Văn phòng An ninh hạt nhân

Để chuẩn bị cho việc tổ chức hai Hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Điện hạt nhân tại Hà Nội tháng 10/2012, Đoàn Việt Nam đã có 2 buổi làm việc với Ngài Ali Bousshaha, Giám đốc TCAP, và với ngài Park, Giám đốc Phòng Điện hạt nhân về việc hợp tác tổ chức Hội thảo về tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới sau Fukushima và Hội thảo về công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Phía IAEA đồng ý về nội dung, chương trình của 2 Hội thảo và đồng ý tài trợ kinh phí để mời một số báo cáo viên quốc tế cho các Hội thảo này từ một số quốc gia. Phía IAEA cũng đề nghị Việt Nam chuẩn bị chương trình làm việc cho Ngài Ali Bousaha tại Việt Nam trong thời gian tham dự Triển lãm nhằm thúc đẩy hợp tác tốt hơn giữa IAEA và Việt Nam.

Liên quan đến việc triển khai dự án điện hạt nhân, Đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với Đoàn Malaysia và UAE, theo đó Việt Nam sẽ tiếp nhận một đoàn thăm quan của Malaysia sang Việt Nam để tìm hiểu về tình hình triển khai dự án điện hạt nhân và Việt Nam thông qua IAEA sẽ tổ chức một đoàn cán bộ cao cấp thăm quan và học tập kinh nghiệm của UAE về triển khai dự án điện hạt nhân.

Đoàn Việt Nam cũng có cuộc trao đổi với Đoàn Mông Cổ để tiếp tục thảo luận các nội dung đã trao đổi từ Đại hội đồng lần thứ 55 liên quan đến việc thu xếp cho Đoàn nghiên cứu của Mông Cổ sang học tập kinh nghiệm phát triển ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam.

Là thành viên tham gia Chương trình phòng chống ung thư (PACT) của IAEA, Đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với Chương trình PACT để trao đổi về tình hình triển khai thực hiện Chương trinh PACT tại Việt Nam và đề nghị các trợ giúp tiếp tục của IAEA dành cho Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình này.

Các vấn đề pháp quy hạt nhân được sự quan tâm đặc biệt trong khuôn khổ của Đại hội đồng lần thứ 56. Đoàn Việt Nam được mời tham gia và phát biểu tại các hội thảo, hội nghị liên quan như Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Mạng lưới an toàn hạt nhân châu Á (ANSN), Hội nghị các nhà pháp quy hạt nhân, Hội nghị Diễn đàn hợp tác pháp quy (RCF) lần thứ 3, hội thảo về cơ sở hạ tầng an toàn cho chương trình điện hạt nhân…Ngoài ra, Đoàn Việt Nam còn có các cuộc trao đổi với Đoàn Argentina, ARPANSA (Úc), Đoàn Công nghiệp hạt nhân Hoa Kỳ, Trường Đại học MIT.. về hợp tác đào tạo và tư vấn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Trao đổi với đoàn ARPANSA (Úc)

Trao đổi với đoàn Argentina

Trong dịp họp Đại hội đồng IAEA lần này, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã ký kết 2 văn bản hợp tác với Cục An ninh hạt nhân Hoa kỳ và với Công ty GRS của Đức và Công ty KERAMETAL của Slovakia về các lĩnh vực an ninh hạt nhân và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Lễ ký Bản công bố ý định hợp tác giữa Cục ATBXHN và NNSA

Trước ngày khai mạc Đại hội đồng, Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự khoa họp lần thứ 43 của Đại hội đồng RCA. Khóa họp đã thảo luận về các vấn đề chính sách và quản lý của RCA, thông qua lộ trình xây dựng dự án cho giai đoạn 2014-2015, thông qua báo cáo của Văn phòng vùng của RCA, quy trình bầu Giám đốc Văn phòng vùng (RCARO) và chuẩn bị nội dung cho thảo luận Panel về các thành tựu của RCA trong một số lĩnh vực và Triển lãm thành tựu 40 năm của RCA tại khóa họp Đại hội đồng IAEA lần thứ 56.

Với một tuần làm việc căng thẳng và đầy ắp các sự kiện, Đại hội đồng IAEA lần thứ 56 đã thành công tốt đẹp. Đoàn Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực và đóng góp hiệu quả vào thành công chung của Khóa họp. Sự tham gia của Bộ trưởng tại Khóa họp lần này đã được ngài TGĐ IAEA và các nước đánh giá cao, đặc biệt báo cáo của Bộ trưởng tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng và phát biểu khai mạc của Bộ trưởng tại Diễn đàn khoa học. Các nghị quyết của Đại hội đồng IAEA và các kết quả các cuộc gặp song phương trong khuôn khổ của Đại hội đồng sẽ được các cơ quan liên quan của Việt Nam nghiên cứu để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ sẽ triển khai trong năm 2013 trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt nam với IAEA và các nước.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img