Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo được tổ chức với mục đích giới thiệu Tiểu dự án FIRST-NASATI; phương pháp luận, kinh nghiệm của thế giới và khu vực về phát triển, tổ chức thực hiện hoạt động trong lĩnh vực thống kê KH&CN, đặc biệt chú ý đến điều tra nghiên cứu và phát triển (R&D), thống kê đổi mới sáng tạo của thế giới; giám sát, đánh giá, đo lường hiệu quả của các tổ chức R&D trong cả khu vực công lập và tư nhân; lập bản đồ công nghệ và phân tích lộ trình đổi mới công nghệ; và công bố Báo cáo tổng quan về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam do OECD và WB thực hiện.
Hội thảo cũng là một sự kiện quan trọng, đánh dấu việc chính thức ra mắt và đi vào hoạt động của Tiểu dự án FIRST-NASATI, thuộc Dự án “Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ” (FIRST), được tài trợ bằng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Mục tiêu của dự án FIRST là hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thông qua việc thiết kế và thí điểm các chính sách KH&CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và phát triển được dự án hỗ trợ, đồng thời khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo
Dự án sẽ hỗ trợ phát triển KH&CN ở Việt Nam thông qua 3 hợp phần: 1) Hỗ trợ cơ sở để hoạch định chính sách và thí điểm chính sách KH&CN; 2) Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập và Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; và 3) Quản lý Dự án. Trong đó, Tiểu hợp phần 1(b) thuộc Hợp phần 1 với nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cấp và hiện đại hóa việc thu thập, phổ biến và sử dụng các số liệu thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới từ các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Các nhiệm vụ cụ thể của Tiểu hợp phần 1(b)bao gồm: (i) tăng cường năng lực và thực hiện công tác thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế; (ii) xây dựng khung giám sát và đánh giá để đo lường hiệu quả của các tổ chức nghiên cứu và phát triển; (iii) xây dựng phương pháp lập bản đồ công nghệ/lộ trình công nghệ và phân tích khoảng cách đổi mới công nghệ đối với các ngành sản xuất được lựa chọn; và (iv) xây dựng ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, để triển khai các hoạt động KH&CN trong thời gian tới theo tinh thần đổi mới của Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ KH&CN đòi hỏi phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả trên cơ sở những thông tin thống kê và đánh giá chính xác, đầy đủ và cập nhật. Hoạt động thống kê, đo lường, đánh giá KH&CN cung cấp những số liệu và bằng chứng thuyết phục nhất phục vụ công tác hoạch định chiến lược, chính sách, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, công tác thống kê, đo lường, đánh giá KH&CN hơn lúc nào hết đòi hỏi phải được xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý và phục vụ so sánh quốc tế.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong những năm gần đây, công tác thống kê, đo lường, đánh giá KH&CN được lãnh đạo Bộ KH&CN hết sức quan tâm và giao cho một số đơn vị chức năng triển khai thực hiện. Tuy vậy, do gần như được phát triển từ đầu nên công tác này còn gặp nhiều khó khăn cả về nguồn nhân lực, kinh phí, phương pháp luận và hạ tầng kỹ thuật. Do đó, kết quả của hoạt động này chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các cơ quan quản lý về KH&CN cũng như cộng đồng KH&CN trong nước. Chính vì vậy, Hội thảo này được tổ chức rất đúng lúc nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của thống kê, đo lường, đánh giá với công tác quản lý và triển khai các hoạt động KH&CN nói chung.
Tại Hội thảo các chuyên gia quốc tế sẽ đưa ra các cách tiếp cận quốc tế đối với những vấn đề liên quan trong lĩnh vực này, đồng thời khuyến nghị những phương pháp luận có thể áp dụng tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội quý báu để các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác thống kê, đo lường, đánh giá KH&CN tại các nước. Kết quả của Hội thảo sẽ là nền móng để triển khai các hoạt động của Tiểu dự án, góp phần tăng cường năng lực tổ chức và thực hiện công tác thống kê, giám sát và đánh giá KH&CN, lập bản đồ công nghệ và xây dựng ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo./.