Để giới thiệu quả vải thiều Lục Ngạn với người tiêu dùng Nhật Bản, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã phối hợp với Công ty ABI đưa vải thiều Lục Ngạn được bảo quản bằng công nghệ CAS tham dự Hội chợ hàng nông sản tại Kanda, Tokyo, Nhật Bản từ ngày 10/11/2014 đến ngày 18/11/2014.
Quả vải được bảo quản bằng công nghệ CAS từ 01/07/2014 đến cuối tháng 11/2014 vẫn tươi ngonTại đây, quả vải thiều của Việt Nam đã được hàng ngàn khách thăm quan nếm thử. Hầu hết khách thăm quan đánh giá cao vải thiều Việt Nam về màu sắc, hương vị. Đánh giá thông qua phiếu thăm dò khách hàng cho thấy: 90% khách hàng đánh giá quả vải CAS có màu sắc độc đáo và mùi vị giống quả vải tươi. 70% khách hàng đánh giá quả vải rất thơm, ngon, ngọt. Điều quan tâm lớn nhất của khách hàng khi sử dụng sản phẩm quả vải bằng công nghệ CAS đó là chất lượng (58%), tiếp đến là giá cả (33%). Theo số đông khách hàng cho biết giá cả hợp lý cho 10 quả vải là 400 yên (tương đương 80.000VNĐ/10 quả).
Tại hội chợ, cán bộ Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng và Công ty ABI đã trao đổi với doanh nghiệp chuyên nhập khẩu quả của Nhật Bản, thống nhất những giải pháp thiết thực để giới thiệu và nhập khẩu quả vải Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.
Khách hàng tại Nhật Bản rất thích thú với sản phẩm quả vải Việt NamKết quả đạt được tại Hội chợ hàng nông sản tại Kanda, Tokyo cho thấy khả năng ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản quả vải là rất khả thi. Quả vải thiều Việt Nam có khả năng vào được thị trường Nhật Bản và được thị trường Nhật Bản chấp nhận. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu được quả vải vảo thị trường Nhật Bản và các thị trường cao cấp khác, ngoài công nghệ CAS cần phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, phải xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn Global GAP và sản xuất vải theo tiêu chuẩn HACCP.