Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo các đại diện đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà sáng chế, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực khai thác và chuyển giao công nghệ. Đây là cơ hội tốt để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm về hoạt động khai thác sáng chế từ phía đối tác Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, tại Việt Nam, thời gian qua hoạt động khai thác, chuyển giao các kết quả nghiên cứu trong đó có sáng chế, từ các trường đại học, viện nghiên cứu tới cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Một số trường đại học lớn ở Việt Nam cũng đã thành lập một số đơn vị có chức năng hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhưng chưa thực sự hiệu quả… Trong bối cảnh hiện nay, việc hình thành các tổ chức đầu mối, đơn vị trung gian, đào tạo cán bộ về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, giúp cán bộ nghiên cứu bảo hộ sáng chế; đồng thời hỗ trợ thương mại hóa các sáng chế, kết quả nghiên cứu là việc làm cần thiết, phải được triển khai mạnh mẽ và có tổ chức thực hiện trong các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, để đẩy mạnh hoạt động khai thác chuyển giao các kết quả nghiên cứu trong đó có sáng chế, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ cần đẩy mạnh khai thác các hoạt động sáng chế, kết nối các nhà sáng chế, công nghệ với cộng đồng doanh nghiệp. Thứ trưởng cũng đề nghị phía đối tác Nhật Bản tạo điều kiện hỗ trợ các hoạt động của Viện trong tương lai như đào tạo nguồn nhân lực, cử chuyên gia sang tư vấn xây dựng các dự án hợp tác về thành lập hệ thống các TLO trong các trường đại học ở Việt Nam…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung thảo luận về thực trạng khai thác và chuyển giao các kết quả nghiên cứu của các trường đại học tới doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tạo giống và sản xuất giống cây trồng; gắn kết hoạt động khoa học công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo trong hoạt động của TLO tại Nhật Bản và kiến nghị cho hoạt động TLO ở các nước đang phát triển…
Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khai thác chuyển giao các kết quả nghiên cứu sáng chế tại Nhật Bản, Giáo sư Takafumi Yamamoto, Chủ tịch TLO Đại học Tokyo Nhật Bản cho biết, trước năm 1998, các nhà khoa học của trường đại học ở Nhật Bản không mặn mà với việc kiếm tiền bản quyền từ các sáng chế, các trường đại học cũng không có chức năng giới thiệu công nghệ của họ cho doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao nhiều trường đại học Nhật Bản thành lập TLO. Bởi vậy, nếu Việt Nam thành lập TLO bên ngoài trường đại học thì không nên thành lập một phòng về sở hữu trí tuệ trong trường đại học sau đó. Thành lập các TLO bên ngoài sẽ thành công hơn, trong đó nên chú ý đến yếu tố tuyển dụng và quản lý…