Tham gia Hội nghị còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng các Bộ: Y tế, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 02/11/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 297/NQ-UBTVQH14 về việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
Về cơ bản, Nghị quyết đã khẳng định những thành tựu quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn, của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Những thành tựu ấy đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Hệ thống chính sách, pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước về KH&CN từng bước được đổi mới, thị trường KH&CN gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các văn bản về phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo được ban hành khá nhiều. Một số nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn đã đạt được kết quả nhất định. Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ đã góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
Tuy nhiên, Nghị quyết 297 cũng cho rằng, hệ thống chính sách pháp luật về KH&CN chưa tạo được động lực phát triển KH&CN, chưa thực sự thu hút nhân tài. Theo nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thực tế hiện nay đang tồn tại một “khoảng cách” giữa văn bản chính sách với thực tế kết quả. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng đã đề nghị Bộ KH&CN cùng các Bộ, ngành “cần cùng nhau chung sức” giải quyết những vướng mắc hiện nay. Để Nghị quyết 297 đi vào cuộc sống, “Chính phủ sẽ có Chương trình hành động. Hiện Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch chi tiết, các Bộ ngành khác phải tham gia xây dựng kế hoạch này” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Phải đẩy mạnh tự chủ gắn liền với cơ chế đổi mới về tài chính”
Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để giải quyết vướng mắc đang tồn tại nhằm xây dựng “một môi trường pháp lý thuận lợi”.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Nghị quyết 297 được triển khai trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, do đó, ngành KH&CN phải xác định trọng tâm của các nhiệm vụ KH&CN, chú trọng đào tạo nguồn lực KH&CN, đổi mới cơ chế tài chính về KH&CN và đặc biệt, cần có cơ chế tự chủ về tài chính.
Nhằm triển khai Nghị quyết 297, Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng dự thảo Kế hoạch Hành động năm 2017 và những năm tiếp theo. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: “Quán triệt tinh thần chung của Báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách, đưa ra những giải pháp cụ thể mang tính khả thi cao, đáp ứng tình hình thực tế”.
Dự thảo Kế hoạch Hành động tập trung vào 10 nội dung trọng tâm, như: rà soát lại chính sách pháp luật có liên quan đến hoạt động KH&CN; thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm đến năm 2020; tập trung nghiên cứu xu thế công nghệ thế giới và xu hướng phát triển kinh tế-xã hội trong nước; xác định những yêu cầu đặt ra đối với KH&CN trong nước; xác định những lĩnh vực KH&CN ưu tiên để từ đó đưa ra nội dung, giải pháp về cơ chế chính sách và lộ trình thực hiện.
Bộ KH&CN sẽ rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ KH&CN, tập trung nguồn lực triển khai nhiệm vụ KH&CN quốc gia, nhiệm vụ KH&CN phục vụ quốc phòng an ninh, nhiệm vụ nghiên cứu về cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao công nghệ là kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ công nghệ tiên tiến, quản lý công nghệ và chuyển giao công nghệ, nghiên cứu công nghệ mới...
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu 10 nhóm nội dung trọng tâm của dự thảo Kế hoạch hành động
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đề cập đến những giải pháp về phát triển thị trường KH&CN, về bảo đảm cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục hoàn hiện hệ thống tiêu chuẩn-quy chuẩn, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc triển khai Đề án 844, đẩy mạnh truyền thông về KH&CN.
Về ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, Bộ trưởng cho biết: “Bộ KH&CN sẽ chủ động phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành có liên quan để báo cáo Chính phủ có cơ chế chính sách thúc đẩy các ngành công nghiệp này”./