Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc; Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ KH&CN Phạm Quang Trung; Lãnh đạo Viện NLNTVN; Đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức của Viện NLNTVN. Hội nghị cũng vinh dự được đón tiếp các vị khách quý: GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện NLNTVN; GS.TS. Ngô Quang Huy và PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (1988-1995); GS.TS. Lê Hồng Khiêm, Viện trưởng Viện Vật lý; GS.TS. Trần Đức Thiệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý; ông Andrei Stankevich, đại diện của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM); ông Lương Bá Hùng, đại diện của Công ty Westinghouse (Hoa Kỳ), cùng đại diện của các cơ quan, các trường đại học đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, TS. Cao Đình Thanh, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2017. Báo cáo tổng kết đã cho thấy nhiều kết quả nổi bật đã đạt được trong năm vừa qua của Viện:
1. Về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đạt một số kết quả nổi bật. Tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) đã tiến hành nghiên cứu phát triển các phần mềm tính toán phân tích kích hoạt, phát triển các dòng nơtron phin lọc tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt phục vụ đo số liệu hạt nhân, thiết kế chế tạo các thiết bị đo trên chùm nơtron. Nhóm nghiên cứu cơ bản của Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) nghiên cứu thế trường trung bình cho vật chất sao proto-neutron cân bằng beta, mẫu folding kép trong thế quang học hạt nhân – hạt nhân. Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (CXHN) đã chế tạo được thành công thiết bị đo on-line và lắp đặt tại trạm quan trắc Hà Nội, Lào Cai và Hải Phòng nhằm phục vụ Mạng quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia (đang xây dựng). Viện Công nghệ xạ hiếm (CNXH) xây dựng được quy trình chế tạo vật liệu nhằm mục đích tẩy xạ nước thải phóng xạ và quản lý an toàn bức xạ tại các cơ sở sử dụng và sản xuất một số đồng vị phóng xạ tại Việt Nam, có 6 giải pháp hữu ích. Với các kết quả nghiên cứu tốt, năm 2016 Viện NLNTVN đã có 36 bài báo quốc tế, trong đó 21 bài ở các tạp chí uy tín có chỉ số IF cao (gần gấp đôi so với năm 2015).
2. Trong nghiên cứu phát triển năng lực hỗ trợ kỹ thuật về bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường: Viện KH&KTHN đã xây dựng quy trình phân tích hàm lượng các nguyên tố hóa học trong mẫu sol khí PM1 dùng kỹ thuật PIXE trên máy gia tốc Pelletron; xây dựng phương pháp mới sử dụng các đồng vị Radi tự nhiên để xác định thời gian lưu của nước biển ven bờ để đưa vào mô hình đánh giá sự cân bằng hóa học, sinh thái biển. Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) đưa nhiều kết quả ứng dụng vào thực tế, như NDT bê tông PIT, kỹ thuật địa chấn song song cho kiểm định móng sâu cầu Nhị Thiên Đường, Cầu Chữ Y Tp. Hồ Chí Minh, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Đạm Phú Mỹ, Chế biến khí Dinh Cố, Đạm Cà mau, Xí nghiệp khai thác dầu khí, Nhiệt điện Mông Dương, … mở ra khả năng dịch vụ NDT mới.
3. Trong nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ: Viện NCHN đã xây dựng được Quy trình điều chế 166Ho-Chitosan định hướng trong điều trị ung thư gan. Hiện nay, Viện NCHN có 04 chế phẩm dược chất phóng xạ đang được Cục Sở hữu trí tuệ làm các thủ tục cần thiết để cấp bằng sáng chế. Trung tâm CXHN đã xây dựng được quy trình sản xuất dược chất phóng xạ FDG-18 và các quy trình vận hành, bảo dưỡng các thiết bị trên máy gia tốc nhằm đáp ứng nhu cầu của kỹ thuật PET và PET/CT y tế.
4. Các nghiên cứu ứng dụng trong sinh học, nông nghiệp và công nghiệp: Xây dựng Quy trình phân tích một số hóa chất bảo vệ thực vật trong các đối tượng rau củ quả bằng kỹ thuật HPLC-MS; Viện NCHN đã phát triển, kết hợp các kỹ thuật phân tích để phục vụ việc tổ chức giám sát môi trường cho cơ sở sản xuất và đã đánh giá, cấp 40 chứng nhận VietGAP cho Công ty và các hộ cá thể.
Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã thiết kế, chế tạo thiết bị chụp cắt lớp CT kích thước lớn thế hệ thứ 3 để khảo sát tình trạng ăn mòn cho tháp xử lý xúc tác - Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngoài ra, Trung tâm còn nghiên cứu phát triển mô hình mô phỏng quá trình vận động của các chất chỉ thị tự nhiên để đánh giá trữ lượng dầu trong khai thác (đang đăng ký SHTT quốc tế).
5. Hoạt động triển khai kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ: Năm 2016, các hoạt động triển khai kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ của các đơn vị trong Viện đạt tổng mức doanh thu là 183,66 tỷ đồng tăng khoảng 40% với năm 2015 (130,83 tỷ đồng). Đặc biệt Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) đã có tăng trưởng vượt bậc so với năm 2015, đạt hơn 32 tỷ đồng tính đến thời điểm cuối tháng 11/2016.
6. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Viện NLNTVN tham gia đào tạo và quản lý 34 nghiên cứu sinh (trong đó tuyển mới 04 NCS). Hiện nay Viện đang có 22 NCS, 28 ThS đang theo học ở Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v.
Ngoài ra, trong năm 2016 Viện NLNTVN đã có đóng góp đáng kể cho nhiệm vụ tìm nguyên nhân sự cố môi trường với 4 tỉnh ven biển miền Trung (PGS. TS. Lê Thị Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện CNXH).
Ngoài việc tổng kết và định hướng nhiệm vụ năm 2017, Viện trưởng Trần Chí Thành đã đánh giá lại những kết quả đã đạt được liên quan thực hiện phong trào “Làm việc nhóm” (Teamwork) của năm 2016. Để làm việc nhóm hiệu quả cần 4 yếu tố sau: Thứ nhất, sự đoàn kết thống nhất trong một tập thể; Thứ hai, cần phải có sự chia sẻ về thông tin, kiến thức, tư duy, ý tưởng giữa các thành viên trong nhóm; Thứ ba, phải biết cách tổ chức để làm việc nhóm đạt hiệu quả; Thứ tư, phải thống nhất với định hướng, lợi ích chung của toàn thể đơn vị, không vì lợi ích nhóm riêng biệt.
Làm việc nhóm đã bắt đầu được đẩy mạnh và phát huy. Viện NCHN bắt đầu phát huy hiệu quả làm việc nhóm qua việc tăng số lượng công bố quốc tế, đạt hiệu quả tốt trong triển khai ứng dụng (ví dụ Trung tâm phân tích); Trung tâm VINAGAMMA đã đạt được kết quả tốt trong nghiên cứu (4 công bố quốc tế) và triển khai sản xuất (doanh số hơn 32 tỷ). Trung tâm Phân tích hóa (Viện CNXH) đã thúc đẩy làm việc nhóm, tạo sự say mê nghiên cứu trong các cán bộ trẻ v.v. Tuy nhiên, một vài nhóm chưa thể hiện được hiệu quả làm việc nhóm như nhóm Quan trắc môi trường phát tán phóng xạ, có thể do cách tổ chức chưa phù hợp; hay Trung tâm An toàn hạt nhân (Viện KH&KTHN), hay Trung tâm Thải xạ (Viện CNXH) chưa đưa được tinh thần làm việc nhóm vào thực tế, nên kết quả nghiên cứu và hiệu quả vẫn còn hạn chế. Hy vọng năm 2017 các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh làm việc nhóm, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong nghiên cứu, công việc. Mỗi chủ đề phát động hàng năm chỉ là sự khởi đầu và sẽ được Viện NLNTVN tiếp tục triển khai trong thời gian sau đó.
Về chủ đề hàng năm (khẩu hiệu) trong 5 năm gần đây, Viện NLNTVN đã hướng đến mục đích xây dựng những tập thể mạnh trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng, nỗ lực tạo ra những chuyên gia đầu đàn: Năm 2013 là ”Nhóm nghiên cứu ưu tiên”, năm 2014 là “Đào tạo nguồn nhân lực”, năm 2015 là “Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng” và năm 2016 là “Làm việc nhóm”. Thực tế cho thấy tuy có thể làm tốt khoa học, nhưng những người làm khoa học thường khó có thể giỏi trong tiếp cận thị trường. Để có thể đưa kết quả khoa học vào ứng dụng, sản xuất nhiều hơn, cần có doanh nghiệp hỗ trợ cho các tổ chức làm nghiên cứu. Do đó chủ đề năm 2017 của Viện NLNTVN là “Khoa học đi cùng với doanh nghiệp” (Science goes together with business). Hiện nay một số đơn vị trực thuộc Viện đã bắt đầu hình thành các ý tưởng và có các dự án triển khai việc này, ví dụ như VINAGAMMA, hay CANTI. Viện NCHN đã xây dựng chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng các thành tựu đạt được trong những năm qua vào việc triển khai dịch vụ và sản xuất sản phẩm với một doanh nghiệp bên ngoài.
Nhiều đại biểu tham dự đã phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Đại diện của ROSATOM đã đánh giá cao sự hợp tác giữa Viện NLNTVN với ROSATOM trong thời gian qua, cũng như vai trò của Viện NLNTVN trong phát triển ngành hạt nhân của Việt Nam, và dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân. GS. Phạm Duy Hiển vui mừng trước sự tăng trưởng về số lượng các bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, tuy nhiên GS. Phạm Duy Hiển cho rằng Viện cần phải chỉ ra được những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất và đóng góp thực sự. GS. Phạm Duy Hiển nhấn mạnh làm nghiên cứu khoa học cần phải có các công bố và đây chính là lẽ sống của những người làm khoa học.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm qua của Viện NLNTVN. Thứ trưởng vui mừng khi trong năm vừa qua Viện NLNTVN đã có sự tăng trưởng cả về số lượng công bố quốc tế, doanh thu, nhân lực nghiên cứu trình độ cao và nghiên cứu ứng dụng.
Lãnh đạo Bộ KH&CN đánh giá rằng Viện NLNTVN ngày càng khẳng định và có vị thế không chỉ trong Bộ KH&CN mà còn trong cả nước. Cơ quan nguyên tử năng lượng quốc tế (IAEA) đánh giá rất cao về Viện NLNTVN, cụ thể là những đóng góp của VINAGAMMA về những việc đã làm được trong y học hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và bức xạ… Năm 2017, Viện NLNTVN sẽ triển khai nhiều công việc như xúc tiến dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân với ROSATOM, dự án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ… Bên cạnh đó, trong việc góp phần mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, vai trò của các nhà khoa học Việt Nam cũng như các nhà khoa học của Viện NLNTVN vẫn luôn mang tính dẫn đường. Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã kết thúc phát biểu bằng trích dẫn câu nói của Einstein về sự thành công: “Thành công là phương trình có 3 tham số: lao động miệt mài, nghỉ ngơi và sự im lặng”. Sự khiêm tốn là đức tính quý báu của người làm khoa học chân chính và chìa khóa của thành công.