Thứ hai, 08/04/2013 09:20 GMT+7

Báo cáo về Dự án Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP)

Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo nhằm kiện toàn Hệ thống Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIS) giúp Việt Nam đạt được kế hoạch trong chương trình nghị sự trở thành một quốc gia trung bình vào năm 2020.

I) Thông tin tổng quan về Dự án:

1. Cơ quan chủ quản: Bộ Khoa học và Công nghệ

2. Cơ quan thực hiện: Vụ Hợp tác quốc tế và Ban Quản lý Dự án IPP (do Ông Trần Quốc Thắng làm Giám đốc)

3. Quy mô tài chính: 5 triệu Euro viện trợ không hoàn lại (Đàm phán ban đầu là 3 triệu Euro, sau hơn 1 năm thực hiện, Chính phủ Phần Lan đồng ý bổ sung thêm 2 triệu Euro viện trợ không hoàn lại cho Dự án)

4. Thời gian thực hiện Dự án: 3 năm, từ tháng 8/2009 – 8/2012

5. Nội dung chính: Dự án sẽ tập trung vào 04 hợp phần chính

- Hoàn thiện khung pháp lý về KH&CN;

- Nâng cao năng lực quản lý KH&CN cho trung ương và địa phương;

- Tăng cường hiệu quả liên kết giữa nghiên cứu và thị trường, giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; và

- Đẩy mạnh quan hệ đối tác KH&CN giữa Việt Nam và Phần Lan.

II) ‘Giá trị’ của Dự án IPP:

1. IPP được xem là dự án ODA đầu tiên tài trợ cho Bộ KH&CN tập trung cho các nội dung nâng cao năng lực quản lý KH&CN của Bộ, cũng như góp phần vào thực hiện một số nội dung mà Bộ đang quan tâm triển khai. Cụ thể như:

- IPP đã tài trợ trực tiếp cho các đơn vị trong Bộ thực hiện các nội dung thuộc ưu tiên mà Bộ giao cho các đơn vị đó thực hiện:

+) Vụ TCCB: “Chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập”;

+) Cục Doanh nghiệp và thị trường: “Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN";

+) Cục Thông tin KH&CN quốc gia: “Nâng cao năng lực phương pháp luận thống kê theo chuẩn OECD”;

+) Cục UD&PT công nghệ: “Thiết lập cung cầu KH&CN, điều tra năng lực đổi mới công nghệ quốc gia và lập bản đồ công nghệ”; “Xây dựng và vận hành Diễn đàn Đổi mới sáng tạo mở OIF”;

+) Vụ Kế hoạch – Tài chính: “Nghiên cứu đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN”;

+) Trung tâm NCPT truyền thông: “tổ chức 01 đoàn khảo sát về truyền thông KH&CN tại Phần Lan”

+) Trường Nghiệp Vụ quản lý KH&CN: “Đổi mới giáo trình quản lý KH&CN”;

+) Viện CL&CS KH&CN: “Xây dựng chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020”;

+) Bộ KH&CN “Đánh giá tổng quan hệ thống KH&CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam” (đây là dự án Bộ ta phải thuê chuyên gia của OECD tiến hành đánh giá tổng quan hệ thống; đây là yêu cầu ‘gần như bắt buộc’ để phía WB có thể triển khai đàm phán Dự án FIRST với Bộ).

- IPP đã trực tiếp làm việc và tài trợ cho một số Sở KH&CN để thúc đẩy sự hợp tác giữa các khối trường đại học/viện nghiên cứu với doanh nghiệp địa phương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ, ...).

- IPP đã trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để phổ biến và khuyến khích ứng dụng và đổi mới công nghệ, đồng thời tài trợ cho các dự án đổi mới công nghệ do doanh nghiệp đề xuất.

2. IPP giúp làm ‘ví dụ cụ thể’ để khuyến khích cộng đồng các nhà tài trợ nước ngoài hướng sự hỗ trợ Việt Nam vào nâng cao năng lực KH&CN, xem KH&CN là động lực cho phát triển và tăng trưởng nền kinh tế (cụ thể là World Bank, UNIDO, Đan Mạch).

III) Một số khó khăn trong triển khai dự án IPP

1. Về mô hình quản lý:

+) Mô hình quản lý Dự án IPP gồm (theo thứ tự quyền quyết định từ cao xuống thấp):

(i) 02 Bộ chủ quản: Bộ KH&CN/Vụ Hợp tác quốc tế và Bộ Ngoại giao Phần Lan/Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội)

(ii) Ban Chỉ đạo, gồm: Ông Janne, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan và GS. Trần Quốc Thắng, Bà Nghiêm Minh Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bà Nguyễn Thu Hương – Phó Chánh VP, Ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó Cục trưởng Cục UDPTCN – thay cho Ông Chu Ngọc Anh)

(iii) Ban Quản lý, gồm: Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc; Ông Thạch Cần, Phó Giám đốc; Ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ TCCB; Ông Lương Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT; Bà Nguyễn Thị Vân, Chuyên viên Vụ KHTC (kế toán trưởng).

(iv) Cố Vấn trưởng người Phần Lan (CTA) Hannu Kokko: CTA là người làm hợp đồng cho 1 công ty tư vấn Phần Lan (Ramboll). Đây là công ty Phần Lan đã thắng thầu quản lý IPP. Theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Ngoại giao Phần Lan và Công ty Ramboll, Ông CTA được ủy quyền cùng tham gia quản lý Dự án, và luôn luôn cùng với Giám đốc Dự án (GS. Trần Quốc Thắng) ký kết các hợp đồng kinh phí.

(v) Các cán bộ làm việc tại Văn phòng: 08 cán bộ

+) Mô hình quản lý theo cơ chế CTA và Giám đốc Dự án tương tự kiểu cơ chế ‘đồng giám đốc’. Trong thực tế triển khai, đối với một số trường hợp cụ thể, mô hình này làm tăng tính phụ thuộc của phía Việt Nam trong việc ra các quyết định đối với việc phê duyệt và hỗ trợ kinh phí cho các tiểu dự án.

2. Về cơ chế tài chính

+) Tài chính trong Dự án IPP bao gồm 03 nguồn chính: (i) Tiền đối ứng của Chính phủ Việt Nam (khoảng 15 tỷ đồng); (ii) Tiền ODA viện trợ của Phần Lan để triển khai Dự án (3,6 triệu Euro, để vào tài khoản của Văn phòng Dự án); và (iii) Tiền ODA viện trợ của Phần Lan nhưng để thuê tư vấn Phần Lan (1,4 triệu Euro, để vào tài khoản của Công ty Ramboll Phần Lan).

+) Cơ chế tài chính này dẫn đến việc khó khăn trong cơ chế tài trợ cho các tiểu dự án, do mỗi nguồn tài chính khác nhau lại có cơ chế chi tiêu và cơ chế quản lý khác nhau. Hiện nay, IPP gặp những khó khăn chính sau:

(i) Khó sử dụng tiền ODA cũng như tiền đối ứng của Việt Nam để chi cho các doanh nghiệp tư nhân thực hiện ứng dụng và đổi mới công nghệ.

(ii) Đối với Bộ Tài chính Việt Nam, tiền ODA được xem là tiền của Chính phủ Việt Nam, do vậy phải chi theo quy định của cơ chế quản lý ngân sách. Do vậy, tiền của Dự án IPP khó có thể dùng để chi trực tiếp cho các doanh nghiệp Phần Lan tham gia tiểu Dự án.

(iii) Tỷ lệ giải ngân của Dự án IPP chưa đạt yêu cầu (.... trong khi Dự án còn 9 tháng nữa là kết thúc).

3. Về năng lực triển khai dự án

+) Năng lực xây dựng dự án cũng như quản lý triển khai dự án của các đơn vị trực thuộc Bộ còn khiêm tốn. Điều này dẫn đến những khó khăn trong công tác giải ngân, cũng như tối ưu kết quả đạt được.

+) Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, việc xây dựng các tiểu dự án có nội dung ứng dụng và đổi mới công nghệ cũng còn lúng túng; chưa xác định rõ trọng tâm cần hỗ trợ từ Dự án IPP.

+) Bản thân Ban Quản lý dự án IPP cũng còn gặp một số khó khăn trong việc xây dựng các hướng dẫn cụ thể cho các đối tượng thụ hưởng, thẩm định các nội dung đề xuất tài trợ từ các trường, viện và doanh nghiệp.

Lượt xem: 5184

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)