Thứ ba, 11/10/2016 16:46 GMT+7

Xây dựng giải pháp quản lý, kiểm soát và khống chế bệnh sữa trên tôm hùm tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa

Năm 2015, ThS. Võ Thị Ngọc Trâm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu xây dựng giải pháp quản lý, kiểm soát và khống chế bệnh sữa trên tôm hùm tại các tỉnh Phú Yên,...


Các nội dung nghiên cứu chính bao gồm: Nghiên cứu tổng quan tình hình nuôi tôm hùm lồng và bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng ở Việt Nam và trên thế giới; Điều tra hiện trạng nuôi tôm hùm lồng ở Phú Yên và Khánh Hòa; Trình bày kết quả điều tra thực trạng bệnh sữa tôm hùm lồng tại Phú Yên và Khánh Hòa; Nghiên cứu đề xuất giải pháp kiểm soát và khống chế bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng ở Phú Yên và Khánh Hòa.

Tôm hùm là loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Tại vùng nuôi tôm hùm lồng thuộc hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tồn tại các dạng lồng nuôi chính là lồng chìm, lổng nổi (bè) và lồng treo. Nguồn giống thả nuôi chủ yếu thu mua nội tinh và các tỉnh lân cận như Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại cả hai vùng nuôi, các hộ thả giống nhiều kích cỡ khác nhau như giống trắng, giống bò cạp, tôm lứa, tôm thương phẩm. Trong đó chủ yếu là giống bò cạp (0,3-100g/con). Thức ăn cho tôm hùm là các loài giáp xác nhỏ, nhuyễn thể, cá tạp. Không có một tỷ lệ % nhất định giữa các nhóm thức ăn. Số lần cho tôm hùm ăn là 1-3 lần/ngày.



Hầu hết các lồng nuôi tôm hùm ở hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa năm 2014 đều xuất hiện dấu hiệu bệnh sữa (10-70%), nghiêm trọng nhất ở giai đoạn tôm có kích cỡ từ 100-400g/con. 100% các hộ nuôi tôm hùm lồng ở Phú Yên và Khánh Hòa đều sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh sữa. Tuy nhiên kháng sinh được sử dụng không hợp lý về liều lượng, chủng loại và phương pháp.

Qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu nhận thấy các yếu tố nguy cơ làm lây lan bệnh sữa bao gồm:
- Yếu tố mùa vụ: Bệnh sữa xuất hiện với tỷ lệ cao vào mùa nắng (khoảng tháng 1 đến tháng 8 dương lịch), giai đoạn này thời tiết nắng nóng kéo dài hoặc gió nồm, làm cho sức đề kháng của tôm bị yếu đi, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập;
- Mật độ lồng nuôi cao, mật độ tôm nuôi dày;
- Không có biệp pháp xử lý kịp thời tôm mang mầm bệnh;
- Yếu tố thức ăn: 100% sử dụng thức ăn tươi, hầu như không qua kiểm tra chất lượng và không có biện pháp xử lý nguồn thức ăn. Đây chính là nguy cơ làm lây lan mầm bệnh từ thức ăn tự nhiên nhiễm bệnh sang tôm hùm nuôi lồng.

Qua đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp khống chế bệnh cho tôm như sau:
- Quy hoạch lại vùng nuôi tôm hùm theo hướng bền vững. Khuyến cáo nuôi đúng quy định về mật độ lồng nuôi (từ 30 - 60 lồng/ha) và vùng nuôi;
- Giãn mật độ nuôi phù hợp với sự phát triển của tôm;
- Cách ly hoàn toàn và kịp thời yếu tố mang bệnh với môi trường nuôi;
- Quản lý chặt chẽ về chất lượng thuốc thú y thủy sản;
Quản lý chặt chẽ nghề khai thác tôm hùm giống về số hộ khai thác, số lượng tầu thuyền, ngư cụ, hình thức và sản phẩm khai thác nhằm định hướng khai thác đạt hiệu quả và có quy hoạch;
- Vệ sinh lồng bè thường xuyên.

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị cần thử nghiệm và xây dựng các mô hình nuôi tôm hùm lồng phòng ngừa bệnh sữa hiệu quả trong quá trình nuôi để người nuôi dễ học tập và áp dụng. Cần nghiên cứu thử nghiệm sử dụng thức ăn tươi có nguồn gốc nước ngọt hay xen kẽ bổ sung thức ăn viên và thức ăn tươi để giảm thiểu khả năng phát sinh bệnh sữa. Nghiên cứu sử dụng các loại chế phẩm sinh học, các hoạt chất, các vitamin, các khoáng chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng, kiểm soát được mầm bệnh sữa để phòng ngừa sự xuất hiện bệnh sữa trong quá trình nuôi.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11252) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 2506

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)