Thứ sáu, 15/07/2016 09:38 GMT+7

Đánh giá 3 dự án ứng dụng thuộc Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới

Sở KH&CN thành phố Hải Phòng vừa tổ chức hội nghị đánh giá 3 dự án ứng dụng thuộc Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới, bao gồm: 1- Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Compost Maker xử lý rơm rạ, giảm thiểu ô nhiễm môi...

Đối với mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Compost Maker xử lý rơm rạ tại các xã, cán bộ thuộc Trung tâm hướng dẫn bà con về liều lượng, quy trình thực hiện, cụ thể: 1 kg chế phẩm/ 1 tấn rơm rạ; tỉ lệ chế phẩm/ phân NPK/ rỉ đường/ nước là 1:4,5:4:15. Bà con tiến hành rải rơm rạ thành 1 lớp có chiều cao 20-25 cm, rộng 2 m, tưới chế phẩm đã hòa đều vào từng lớp sao cho nguyên liệu ướt đều và nước không bị chảy ra quanh đống ủ. Sau khi ủ xong, che đậy đống ủ bằng bạt kín hơi để duy trì nhiệt độ 40-50 0C, định kỳ 10-15 ngày đảo trộn đống ủ một lần, đảm bảo ở nhiệt độ 50-55 0C. Sau 30-35 ngày rơm rạ sẽ phân hủy thành mùn hữu cơ. Áp dụng kỹ thuật này, mỗi xã thực nghiệm đã xử lý được 65 tấn rơm rạ thành 25-26,5 tấn mùn hữu cơ đã hoai mục hoàn toàn.

Mô hình trồng hoa lily thương phẩm tại xã Đặng Cương được tiến hành trên diện tích 360 m2. Kết quả theo dõi đánh giá cho thấy, sau 80 ngày trồng, cây đạt chiều cao 93,8 cm; đường kính thân đo cách mặt đất 15cm ở thời điểm thu hoạch; đạt 6,2 nụ/cây; đường kính nụ đạt 4,5 cm; 5,8 hoa/cây; độ bền hoa cắt đạt 15,8 ngày và sâu bệnh phát sinh nhẹ.


Hoa lily sau trồng 60 ngày


Chế phẩm sinh học Neo-Polymic được sử dụng để xử lý môi trường ao nuôi cá trong các công đoạn: xử lý đáy ao và nguồn nước cấp vào ao bằng cách sau 5 ngày cải tạo và bón vôi diệt tạp, tiến hành xử lý đáy ao bằng chế phẩm Neo-Polymic với lượng 16 kg/ha, 12 kg/ha chế phẩm để xử lý nguồn nước đầu vào. Sau khi thả cá, sử dụng chế phẩm để bổ sung dinh dưỡng, tạo môi trường cho cá sinh trưởng và phát triển. Tùy từng giai đoạn phát triển của cá để cân đối lượng chế phẩm phù hợp (từ 6-8 kg/ha). Kết quả theo dõi về độ pH và ô-xy hòa tan sau khi sử dụng chế phẩm là hoàn toàn đảm bảo yêu cầu và phù hợp với sự phát triển của cá. Tỷ lệ sống của đàn cá đạt 91,34% với năng suất 7,191 tấn/ha.

Tham gia mô hình sản xuất giống củ khoai tây cấp nguyên chủng (giống Solara và Sinora) có nguồn gốc nuôi cấy mô tế bào với quy mô 3600 m2 (giống Solara 1800 m2 và Sinora 1800 m2), bà con nông dân tại xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng được cung cấp củ giống, phân bón và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc; bao gồm các khâu: cày bừa, lên luống (rộng luống 1,2-1,4 m; cao luống 20-25 cm; bề rộng mặt luống 70-80 cm; rãnh 20-30 cm) và bón phân. Mật độ 6-7 củ/m2, khoảng cách 40 x 30 cm kết hợp vun xới và tướng nước định kỳ giữ độ ẩm 75-80%. Kết quả mô hình: đối với cả 2 giống Solara và Sinora, củ giống thu hoạch có màu vàng sáng, vỏ củ nhẵn, đồng đều. Giống Solara có số củ trung bình/ khóm là 5,6 củ; năng suất đạt 433,4 kg/ sào. Giống Sinora có số củ trung bình/ khóm 4,8 củ; năng suất trung bình đạt 362,8 kg/ sào.


Ruộng giống khoai tây Solara


Hội đồng KH&CN nhận định, đây là những dự án mang tính thực tiễn cao, góp phần vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm giống cây trồng vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; các mô hình là cơ sở để triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, các dự án cũng nhận được những đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, như: cần có số liệu đánh giá cụ thể về mức độ phân hủy của rơm rạ sau khi sử dụng chế phẩm Compost Maker, không chỉ dựa vào cảm quan; bổ sung các số liệu về tỉ lệ mọc mầm, năng suất ra hoa, biện pháp ứng phó với thời tiết trong quy trình trồng hoa lily; nêu rõ quy trình kỹ thuật trong trồng 2 giống củ khoai tây cấp nguyên chủng; bổ sung điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất trong các dự án để làm cơ sở cho việc nhân rộng các mô hình… Đại diện cơ quan chủ trì và ban chủ nhiệm các nhiệm vụ đã tiếp thu để hoàn thiện các dự án.

Lượt xem: 1533

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)