Thứ hai, 25/01/2016 20:25 GMT+7

Kết quả xây dựng nhóm số liệu hạt nhân phục vụ chương trình điện hạt nhân

Ngày 24/1/2016, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã tổ chức bảo vệ thành công luận án tiến sỹ cho 2 nghiên cứu sinh Trần Tuấn Anh và Phạm Ngọc Sơn về lĩnh vực số liệu hạt nhân với chùm nơtron.



Nhóm số liệu hạt nhân được thành lập tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt từ đầu những năm 1990 sau khi thực hiện thành công đề tài về khai thác kênh ngang của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trong Chương trình KC-09 do cố Giáo sư Nguyễn Đình Tứ làm Chủ nhiệm và có sự hợp tác của Viện Nghiên cứu hạt nhân Kiev về kỹ thuật phin lọc nơtron do Giáo sư Phạm Duy Hiển khởi xướng. Nhóm số liệu hạt nhân đã có quan hệ hợp tác với Trung tâm số liệu hạt nhân của IAEA, Trung tâm số liệu hạt nhân của các nước trong khu vực, tham dự Hội nghị quốc tế về số liệu hạt nhân định kỳ 3 năm 1 lần, và là thành viên của tổ chức phát triển cơ sở dữ liệu phản ứng hật nhân Châu Á (Asian Nuclear Reaction Database Development).
Nhiệm vụ của Nhóm số liệu hạt nhân về lâu dài phải xây dựng được thư viện số liệu hạt nhân phục vụ nhu cầu tính toán, phân tích an toàn lò phản ứng và các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân ở Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, Nhóm tập trung vào các nghiên cứu về số liệu tiết diện phản ứng với nơtron, sơ đồ mức, độ rộng bức xạ, độ rộng nơtron, hàm lực nơtron,… dựa trên các phản ứng hạt nhân với chùm nơtron từ các kênh ngang của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sử dụng kỹ thuật phin lọc.
Với sự quan tâm đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua các dự án tăng cường trang thiết bị hàng năm, viện trợ kỹ thuật của IAEA, thông qua các đề tài nghiên cứu trong Chương trình KC-05 và Quỹ NAFOSTED, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu của Nhóm số liệu hạt nhân đã được nâng cấp đáng kể trong thời gian gần đây, góp phần đưa các nghiên cứu về số liệu hạt nhân của Việt Nam tiệm cận với trình độ trên thế giới. Nhóm đã phát triển được 7 chùm nơtron phin lọc (nhiệt, 2 keV, 24 keV, 54 keV, 59 keV, 133 keV và 148 keV) với chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu số liệu hạt nhân, tương đương với các chùm nơtron phin lọc của cơ sở nghiên cứu tiên tiến trên thế giới (Kiev, Ohio). Nhóm đã cung cấp số liệu hạt nhân (Ag-109, W-186, Gd-158, La-139, Sm-152, Ir-191, Ir-193, Ga-69, Ga-71, Re-185, Re-187) cho cơ sở dữ liệu hạt nhân quốc tế EXFOR (để được chấp nhận biên dịch vào cơ sở dữ liệu quốc tế này, các kết quả thực nghiệm phải được đăng tải trên các tạp chí uy tín cao hoặc hội nghị quốc tế, sau đó chuyên gia biên dịch số liệu sẽ thực hiện đánh giá và kiểm tra theo một quy trình nghiêm ngặt). Ngoài ra nhóm cũng đã tham gia chương trình so sánh liên phòng thí nghiệm về xác định số liệu tiết diện bắt nơtron nhiệt của Mo-98 phục vụ sản xuất đồng vị Mo-99 dùng trong y học hạt nhân, do IAEA tổ chức.
Một số công bố của Nhóm đã được nhiều nhà khoa học quốc tế trích dẫn, tiêu biểu là công bố “Gamma–gamma coincidence spectrometer setup for neutron activation analysis and nuclear structure studies” được ScienceDirect xếp thứ 21 trong 25 công trình của tạp chí Nuclear Instrument and Method được trích dẫn nhiều nhất của năm 2011; hoặc công bố “A Design Configuration of an FPGA-Based Coincident Spectrometry System” trong 6 tháng đầu tiên đã có khoảng 450 lần download.



Kết quả lớn nhất của Nhóm là đã đào tạo được nhiều tiến sỹ có chất lượng cho ngành năng lượng nguyên tử của nước ta. Có thể nói đây là Nhóm trong thời gian qua đào tạo được nhiều tiến sỹ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở Việt Nam. Cụ thể có 6 tiến sỹ sau đã được đào tạo tại Nhóm số liệu hạt nhân: Tiến sỹ Đinh Sỹ Hiền về hệ phổ kế chống Compton-tạo cặp năm 1997; Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hải về đề tài nghiên cứu quá trình phân rã gamma nối tầng của Yb172 và Sm153 năm 2011; Tiến sĩ Nguyễn An Sơn về nghiên cứu cấu trúc các hạt nhân V52, Ni49 và Ti49 năm 2014, Tiến sĩ Đặng Lành về sử dụng kỹ thuật số để thiết kế, chế tạo ADC năm 2014; Tiến sỹ Phạm Ngọc Sơn về nghiên cứu tiết diện bắt bức xạ nơtron năm 2016; Tiến sỹ Trần Tuấn Anh về nghiên cứu tiết diện nơtron toàn phần năm 2016. Dự kiến trong năm 2016, nhóm sẽ có thêm hai tiến sỹ nữa là Nguyễn Ngọc Anh với đề tài nghiên cứu về cấu trúc hạt nhân (mật độ mức, độ rộng và hàm lực) của Yb172 và Sm153; Trương Văn Minh với đề tài về Ứng dụng hệ trùng phùng gamma-gamma để phân tích kích hoạt As và Se. Ngoài ra, trong nhóm còn các nghiên cứu sinh Phạm Ngọc Tuấn và Tưởng Thu Hường đang làm về hướng phát triển các hệ đo bằng phương pháp số hóa, Trần Văn Chuân về hướng tách xung nơtron khỏi gamma bằng phương pháp số, Đinh Tiến Hùng về vấn đề đánh giá định lượng suất liều nơtron tại phòng xạ trị bằng máy gia tốc, Nguyễn Cảnh Hải về hướng phân tích PGNAA. Nhóm cũng đã hỗ trợ cho 2 nghiên cứu sinh Angola bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, trong đó 1 người hiện là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và 1 người là Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử của Nước Cộng hòa Angola.
Những kết quả đạt được của Nhóm số liệu hạt nhân trong thời gian qua là ở sự nỗ lực phấn đấu học tập và say mê nghiên cứu không ngừng của các cán bộ khoa học trẻ trong Nhóm, sự định hướng đúng đắn của lãnh đạo và sự đầu tư của Nhà nước. Với các thành công bước đầu này, Nhóm số liệu hạt nhân cần tiếp tục phát triển để có thể trực tiếp phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân của đất nước một cách hiệu quả nhất từ các nghiên cứu của mình, cụ thể là phục vụ công tác tính toán và đánh giá an toàn bức xạ lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân./.

Lượt xem: 2186

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)