Từ các công trình đã ứng dụng và vận hành kỹ thuật này cho thấy, giải pháp này có nhiều triển vọng ứng dụng để nâng cấp và xây mới các hồ chứa, đập dâng. Do đó, để có thể đưa ra được cơ sở khoa học và giải pháp cho thiết kế, xây dựng và ứng dụng cho công trình thủy lợi ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thanh Hải, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng tràn có ngưỡng kiểu phím Piano vào xây dựng công trình thủy lợi ở Việt Nam”
Các nội dung chính của đề tài bao gồm:
- Tổng quan những vấn đề liên quan đến đề tài.
- Phương pháp xác định quan hệ giữa yếu tố đặc trưng về cấu tạo, chế độ thủy lực với lưu lượng qua tràn piano.
- Giải pháp hợp lý cho hình thức cửa vào và hình thức nối tiếp sau tràn có ngưỡng kiểu piano.
- Giải pháp kết cấu, vật liệu cho tràn có ngưỡng kiểu piano phù hợp cho các loại hình công trình.
- Các công nghệ xây dựng tràn có ngưỡng kiểu phím piano.
- Hướng dẫn tạm thời tính toán thiết kế tràn có ngưỡng kiểu phím piano vào xây dựng công trình thủy lợi ở Việt Nam.
Với cách tiếp cận hợp lý như thu thập tài liệu của các kết quả nghiên cứu có liên quan, mô phỏng bằng mô hình vật lý, sử dụng các phương pháp phân tích thứ nguyên Buckingham để xác định các sêry/tổ hợp thí nghiệm, phần mềm ứng dụng, phân tích tính toán và phương pháp chuyên gia, hội thảo... Vào tháng 01/2015, đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu với những kết quả chính như sau:
- Đã tổng quan khá đầy đủ những vấn đề cần thiết các nghiên cứu về công trình tràn nói chung và tràn kiểu phím Piano trên thế giới và trong nước.
- Đã xây dựng được bộ công thức thực nghiệm để tính toán lưu lượng qua tràn có ngưỡng kiểu phím Piano và đưa ra được các phương pháp tính toán lưu lượng qua tràn Piano xây mới và nâng cấp từ tràn đã có.
- Đưa ra được giải pháp kết cấu, vật liệu cho tràn Piano và các giải pháp công nghệ đặc trưng (đơn nguyên đúc sẵn tràn Piano) cho công tác thi công tràn Piano. Các kiểu tràn Piano hiện nay thường sử dụng biện pháp đổ trực tiếp. Nếu công trình tràn Piano có nhiều đơn nguyên giống nhau, mặt bằng khu vực xây dựng công trình (tràn đã có và xây dựng), thi công kết cấu dạng máng tràn công sôn trên cao hay đặt trên đỉnh đập trọng lực cao hàng chục đến vài ba chục mét, biện pháp đổ trực tiếp (công tác ván khuôn, chống đỡ để đổ bê tông) sẽ rất phức tạp. Vì vậy nhóm nghiên cứu kiến nghị giải pháp xây dựng tràn bằng công nghệ đúc sẵn cần được xem xét.
- Đưa ra được hướng dẫn tạm thời tính toán thiết kế, thi công xây dựng tràn Piano xây mới và nâng cấp từ tràn có sẵn phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Qua quá trình nghiên cứu nhóm nghiên cứu nhận thấy các kết quả nghiên cứu phần lớn được xây dựng từ kết quả nghiên cứu thí nghiệm trên mô hình thủy lực. Do đó gặp nhiều hạn chế về phạm vi, điều kiện khi áp dụng, nếu áp dụng với điều kiện và phạm vi khác sẽ cho sai lệch lớn so với kết quả và phạm vi, điều kiện nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị cho phép được thực hiện các nghiên cứu sâu hơn nữa để có thể phục vụ tính toán thiết kế và hoàn chỉnh về công nghệ và hướng tới ứng dụng tràn Pinao cho công trình thủy lợi trong nước với phạm vi ứng dụng lớn hơn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11714) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.