Thứ năm, 24/11/2016 15:31 GMT+7

Xây dựng hệ thống đánh giá và bảo lãnh công nghệ tại Việt Nam

Để phát triển công nghệ, bên cạnh nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, việc xem xét, lựa chọn chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, quốc gia đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa....

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh khẳng định như trên tại Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng hệ thống đánh giá và bảo lãnh công nghệ” do Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) tổ chức ngày 22/11/2016, tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có GS. Hoàng Văn Phong, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; các đồng chí Lãnh đạo và các đồng chí trong Hội đồng Quản lý Quỹ; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; đại diện Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các chuyên gia đánh giá và thẩm định công nghệ ở trong và ngoài nước;… Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của 2 chuyên gia Hàn Quốc: Ông Chulmin Jung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ thông tin- Tập đoàn Tài chính công nghệ Hàn Quốc (KOTEC); Ông Kim Jonghyun, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế của KOTEC.


GS. Hoàng Văn Phong - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ NATIF phát biểu tại Hội thảo


Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, thời gian qua, Bộ KH&CN đã xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến định giá kết quả nghiên cứu khoa học và tài sản trí tuệ. Đánh giá công nghệ là vấn đề mới ở Việt Nam nên để triển khai đánh giá có hiệu quả cần thiết học tập kinh nghiệm thực tiễn của nước ngoài.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, Hàn Quốc là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chỉ số đánh giá công nghệ và bảo lãnh công nghệ cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và công nghệ phục vụ hoạt động đánh giá, thẩm định công nghệ. Nhằm tạo điều kiện khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khai thác, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như hỗ trợ cho các quỹ, các tổ chức tín dụng có cơ sở đánh giá công nghệ để xem xét tài trợ cho đổi mới công nghệ, trong thời gian qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN đã hợp tác với KOTEC để xây dựng hệ thống đánh giá công nghệ cho Việt Nam. Hệ thống được xây dựng dựa trên mô hình được áp dụng tại Hàn Quốc và được điều chỉnh thông qua đánh giá thử nghiệm để phù hợp với điều kiện Việt Nam.


Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Việc đánh giá công nghệ là công cụ quan trọng để hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ


Tại Hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của KOTEC đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc hình thành, phát triển Quỹ KOTEC; xây dựng hệ thống các chỉ số đánh giá công nghệ, thẩm định và bảo lãnh công nghệ phục vụ việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ; hệ thống dịch vụ thông tin của KOTEC. Đại diện Bộ KH&CN cũng đã trình bày về việc phát triển Hệ thống đánh giá công nghệ Việt Nam – VTRS dựa trên kinh nghiệm của KOTEC.

Theo ông Kim Jonghyun – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế của KOTEC, năm 1989, KOTEC được Chính phủ Hàn Quốc thành lập để triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp công nghệ mới. Nhiệm vụ của KOTEC là cấp bảo lãnh để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực mới.

KOTEC có tổng số 1.200 nhân viên, 168 tiến sĩ, 592 cán bộ và 1.074 cố vấn bên ngoài. KOTEC hoạt động như một tổ chức bảo lãnh phi lợi nhuận và đến nay KOTEC đã bảo lãnh cho khoảng 70.000 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quy trình chung cho phương pháp bảo lãnh công nghệ của KOTEC được tiến hành theo các bước: xin vay vốn; tư vấn và nộp đơn xin bảo lãnh công nghệ; đánh giá và điều tra tín dụng; phê duyệt bảo lãnh công nghệ; cấp giấy bảo lãnh; quyết định cho vay. Ví dụ, một doanh nghiệp công nghệ nhỏ, không thể có các tài sản thế chấp hữu hình ứng dụng cho bảo lãnh công nghệ, KOTEC sẽ đánh giá khả năng trả nợ và giá trị công nghệ của công ty đó và đứng ra đầu tư. Phần lớn, các ngân hàng đều dựa trên sự nghiên cứu và phê duyệt của KOTEC để quyết định cho doanh nghiệp đó vay hoặc tăng thêm các khoản vay.

Theo TS. Nguyễn Đức Hoàng – Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục đã bắt đầu triển khai hợp tác với KOTEC từ năm 2012, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác vào năm 2013 và tổ chức các đoàn chuyên gia trao đổi. Hai bên đã đề nghị Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thực hiện hợp tác thông qua chương trình Chia sẻ tri thức (KSP) của năm 2014 và 2015. Cục cũng đã mời một số đơn vị liên quan tham dự phối hợp như Quỹ NATIF, NAFOSTED, VISTEC,…

Ông Nguyễn Đức Hoàng cũng đã đưa ra những đề xuất rất cụ thể về hình thức, phương pháp hợp tác, áp dụng hệ thống VTRS tại Quỹ NATIF và một số tổ chức khác.


Toàn cảnh Hội thảo


Phát biểu tại Hội thảo, GS. Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ NATIF cảm ơn và đánh giá cao những kinh nghiệm chia sẻ của các chuyên gia cao cấp đến từ KOTEC cũng như ý kiến đóng góp nhiệt tình của các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng thời khẳng định các nội dung tại Hội thảo sẽ là mục tiêu và nhiệm vụ để Quỹ NATIF lựa chọn, thực hiện với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà khoa học trong các viện nghiên cứu/ trường đại học phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện tốt hoạt động KH&CN cũng như sản xuất kinh doanh. Đây là cơ sở để hỗ trợ các cơ quan quản lý trong đó có Bộ KH&CN có được dữ liệu, công cụ hiện đại, hiệu quả khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình.

Lượt xem: 1962

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)