Thứ năm, 10/03/2016 16:06 GMT+7

Triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” tại Bình Phước

Sáng ngày 09/3/2016, tại Nhà khách tỉnh Bình Phước, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) là cơ quan thường trực, tổ chức Hội nghị...

 
Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Tuyết Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Vân - Giám đốc Sở KH&CN; Tiến sỹ Đào Đức Huấn - Quyền Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn); bà Nguyễn Phương Thảo – Điều phối viên Dự án, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN); đại diện lãnh đạo một số sở ngành liên quan, các doanh nghiệp chế biến hạt điều và một số hộ nông dân trồng điều tiêu biểu trên địa bàn Tỉnh.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu tổng quan về Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu, nội dung, kế hoạch tổ chức thực hiện các hợp phần của Dự án này, đồng thời nêu lên những kết quả dự kiến và tác động của Dự án đối với ngành điều Bình Phước. Theo đó, Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” thuộc Quỹ Tăng cường Năng lực Thương mại (FRCC) do Chính phủ Pháp tài trợ với mục tiêu là hỗ trợ Việt Nam cải tiến hệ thống đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý thông qua việc xây dựng một cách tiếp cận mới, từ phương pháp luận đến các vấn đề chính sách và thực tiễn trên cơ sở bài học kinh nghiệm của châu Âu, đặc biệt là Pháp, tiến gần đến sự hội nhập trong đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với sản phẩm hồ tiêu của tỉnh Quảng Trị, sản phẩm hạt điều của tỉnh Bình Phước đã được Dự án lựa chọn để triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, để xây dựng thành công được chỉ dẫn địa lý cần phải thực hiện đánh giá tiền khả thi và bước đi này đã được các chuyên gia của Pháp thực hiện vào tháng 1/2016 trong chuyến khảo sát thực tế tại Bình Phước và sẽ có kết quả vào cuối tháng 3/2016. Trường hợp không đủ điều kiện để xây dựng chỉ dẫn địa lý, Dự án cũng sẽ hỗ trợ Bình Phước trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, đảm bảo cho việc bảo hộ và phát triển thương hiệu cho ngành điều Bình Phước.

Tiến sỹ Đào Đức Huấn - Quyền Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn cho biết thêm, chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước được hiểu là hạt điều được trồng tại Bình Phước và nhân điều được chế biến tại Bình Phước (hạt điều 100% Bình Phước). Chất lượng, danh tiếng, hoặc một đặc tính khác của thành phẩm (hạt điều đã qua chế biến có thể ăn được) chủ yếu phải bắt nguồn tự nguồn gốc địa lý của Bình Phước. Khu vực canh tác phải được khoanh vùng cụ thể, chỉ có nhân điều thu được từ điều thô thu hoạch trong khu vực này mới được mang tên gọi “hạt điều Bình Phước”; các loại nhân điều khác được chế biến tại Bình Phước (từ điều khô nhập khẩu hoặc do pha trộn điều nhập khẩu và điều Bình Phước) phải mang tên gọi khác. Bên cạnh đó, Tiến sỹ Huấn cũng nêu lên những điều kiện cần và đủ để xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho hạt điều Bình Phước và những nội dung cụ thể mà Dự án có thể hỗ trợ cho Tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị, Ban Quản lý dự án đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ phía Lãnh đạo Tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp và người dân trồng điều của tỉnh Bình Phước với mong muốn triển khai thành công Dự án này tại Bình Phước, đưa sản phẩm hạt điều trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực có thương hiệu mạnh của tỉnh nhà; mở rộng, tiếp cận thị trường cho sản phẩm hạt điều Bình Phước đến với thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Theo ông Trần Hoàng Ý - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Điều Việt Hà, để xây dựng thành công được thương hiệu cho sản phẩm hạt điều, điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm và việc quản trị, kiểm soát nguồn gốc và sản lượng phải được đảm bảo chặt chẽ. Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Điều Bình Phước cũng mong muốn các chuyên gia của Dự án sẽ hỗ trợ cho các cơ quan chức năng của Tỉnh xây dựng được cơ sở khoa học và kỹ năng để phân tích, tìm ra được những đặc thù của hạt điều Bình Phước để dễ dàng phân biệt được với hạt điều ở những vùng khác. Đại diện cho các hộ dân trồng điều, ông Hoàng Văn Tần và ông Hoàng Trọng Thuỷ (xã Long Hà, huyện Phú Riềng) cũng đã chia sẻ phương pháp ghép chồi do chính gia đình ông sáng tạo ra, thực tế kiểm nghiệm qua nhiều năm thực hành trên vườn điều gia đình cho thấy đã đem lại năng suất và chất lượng cao, mong muốn được phổ biến cho các hộ dân khác áp dụng nhân rộng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Tuyết Minh khẳng định, Bình Phước có tiềm năng và thế mạnh về diện tích, sản lượng và chất lượng hạt điều đứng đầu cả nước, do đó rất thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều. Lãnh đạo Tỉnh cũng rất quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu sản phẩm điều Bình Phước và nội dung này đã được đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 về thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ưu tiên các loại cây trồng chủ lực có thế mạnh của tỉnh như: cao su, điều, tiêu. Vì vậy, Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” được triển khai tại Bình Phước là cơ hội rất thuận lợi để giúp tỉnh phát triển ngành điều, đồng thời tạo thêm cơ hội để các sản phẩm chủ lực khác của Tỉnh có thể xây dựng và phát triển được thương hiệu bền vững. Để Dự án được triển khai thuận lợi, Đồng chí Trần Tuyết Minh đề nghị các sở, ban, ngành trong Tỉnh, Hội điều Bình Phước phối hợp tích cực, tham gia đóng góp ý kiến cho Ban quản lý dự án và các chuyên gia trong quá trình triển khai dự án tại địa phương; Sở KH&CN Bình Phước làm đầu mối liên lạc, hỗ trợ công tác điều phối giữa Ban quản lý dự án, chuyên gia tư vấn với đơn vị, doanh nghiệp và các hộ dân trồng điều tại địa phương; các doanh nghiệp, người dân trồng điều phải coi đây là cơ hội để bảo hộ thương hiệu, nâng cao lợi nhuận cho ngành điều và phải tạo điều kiện cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời cho Ban quản lý dự án và các chuyên gia; đồng thời đề nghị các chuyên gia dành sự ưu tiên cao nhất cho hợp phần xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều nhằm đáp ứng được về tiến độ và kết quả của Dự án.

Trong hoạt động thực địa tại Bình Phước từ nay cho đến ngày 19/3/2016, đoàn chuyên gia của Dự án sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát thị trường hạt điều ở một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều, các hộ nông dân trồng điều ở những vùng có nguyên liệu lớn như Bù Gia Mập, Phước Long, Bù Đăng và làm việc với Hiệp Hội điều Bình Phước, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá thực trạng, thu thập số liệu, đưa ra cơ sở thực tiễn để có thể xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều Bình Phước./.
 

Lượt xem: 1784

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)