Thứ ba, 06/09/2016 15:57 GMT+7

Cần có chính sách phát triển sở hữu trí tuệ tốt

Đó là khẳng định của ông Daren Tang, Tổng Giám đốc Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore tại buổi gặp mặt với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh diễn ra vào sáng 05/9/2016 tại Hà Nội.


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tiếp Tổng Giám đốc Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore Daren Tang


Tại buổi tiếp, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cảm ơn ông Daren Tang đã đến thăm và làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ, hiện nay Chính phủ Việt Nam rất quan tâm thúc đẩy phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đặc biệt là vấn đề bảo hộ và thực thi sở hữu trí tuệ. Thời gian qua Việt Nam đã làm tốt lĩnh vực sở hữu trí tuệ, có nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã được hưởng lợi từ sự tạo điều kiện của Cục Sở hữu trí tuệ. Nhìn vào điều kiện kinh tế xã hội sắp tới và đẩy mạnh phát triển kinh tế dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao và KH&CN, yêu cầu và thách thức đối với sở hữu trí tuệ trong thời gian tới sẽ cao. Hiện, số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích được bảo hộ chỉ khoảng 10% nội địa Việt Nam còn lại là của FDI và các thành phần kinh tế khác. Trong số đó phần lớn từ khối viện, trường, chưa có nhiều từ khối doanh nghiệp. Bộ trưởng mong muốn sắp tới tăng cường ứng dụng và khả năng thương mại hóa của các văn bằng sở hữu trí tuệ khi được bảo hộ.

“Phía Singapore cũng đã có những đề xuất cụ thể về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo trong điều kiện các quốc gia như Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, nhiều nhóm khởi nghiệp ở Việt Nam nhưng lại tận dụng được hạ tầng và điều kiện thuận lợi của Singapore. Đó là những tri thức kinh nghiệm quan trọng mong phía Singapore giúp đỡ Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Việt Nam và Singapore là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hai bên cần phải xây dựng đồng bộ hệ thống luật pháp sao cho phù hợp với mỗi nước trong thực thi các cam kết. Việt Nam đã có những kế hoạch cụ thể như sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2018, do vậy, Việt Nam rất kỳ vọng kinh nghiệm của Singapore, đặc biệt là thực tiễn đi trước sự phát triển của Việt Nam sẽ có tư vấn và hỗ trợ hữu ích cho Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Singapore là quốc gia hàng đầu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ xứng đáng để Việt Nam học tập. Bộ trưởng đánh giá cao chuyến thăm và làm việc trực tiếp giữa Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và mong hai bên bàn sâu để Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm quý báu của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai Bên, đặc biệt là quan hệ song phương giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ngày càng hiệu quả.

Ông Daren Tang đã gửi lời chúc mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và bày tỏ vui mừng trước việc hai nước thời gian qua đã có quan hệ hợp tác vững chắc, thể hiện qua việc đã thiết lập mối quan hệ đối tác truyền thống.

“Việt Nam đã có thay đổi lớn trong tăng trưởng kinh tế. Hợp tác về kinh tế, văn hóa giữa hai Bên có nhiều điểm chung. Trao đổi kinh tế giữa Singapore và Việt Nam đã có thay đổi, trước kia là quan hệ liên quan đến công nghiệp chế tạo, giờ là giao dịch về tri thức và ý tưởng. Các sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác như TPP, VSIP… là diễn đàn để trao đổi tri thức và sáng kiến. Hai Bên sẽ cùng chia sẻ lợi ích chung, sử dụng đổi mới để tăng trưởng kinh tế. Khi thúc đẩy đổi mới điều quan trọng là phải có chính sách phát triển sở hữu trí tuệ tốt”, ông Daren Tang nhấn mạnh.

Ông Daren Tang cho biết, Singapore đang có đánh giá lại về chính sách phát triển kinh tế của đất nước thông qua Ủy ban đánh giá kinh tế, đại diện cơ quan chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân. Theo dự kiến, cuối năm 2016 báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế sẽ được công bố. Một trong những vấn đề phía Singapore thảo luận ở Ủy ban đánh giá kinh tế là làm thế nào để sử dụng sở hữu trí tuệ phát triển đổi mới, dùng đổi mới để cho tăng trưởng nền kinh tế của Singapore cũng như của khu vực. Tập trung ưu tiên của Singapore là làm thế nào để sở hữu trí tuệ tập trung vào thương mại hóa tài sản trí tuệ.


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng quà lưu niệm cho ông Daren Tang


Được biết, từ ngày 05 - 07/9, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ cùng thảo luận một số nội dung liên quan đến xác lập quyền sáng chế và nhãn hiệu; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hợp tác. Phía Singapore sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam.

Lượt xem: 1689

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)