Thứ sáu, 30/09/2016 14:46 GMT+7

Hội nghị giới thiệu Hội chợ quốc tế lần thứ 5 về công nghệ thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán, dịch vụ và công nghệ sinh học (Analytica Vietnam 2017)

Để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác trao đổi và tiếp thu công nghệ cao của nước ngoài và phát triển thị trường công nghệ Việt Nam, được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Cục Thông tin KH&CN Quốc gia phối hợp Tổ...

Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có: bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia; bà Gabriele Kraus – Giám đốc điều hành IMAG; GS. Phạm Hùng Việt – Giám đốc Trung tâm CETASD; TS. Nguyễn Trung Nam – Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Gene - Viện công nghệ sinh học; PGS.TS Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Enzym và Protein; Ths. Vũ Xuân Thủy – Giám đốc Văn phòng Công nhận chất lượng Việt Nam. Cùng đại diện của các Công ty Thiết bị Sài Gòn (SIJC); Công ty Hóa chất & Thiết bị Thăng Long; Công ty TBKT Hóa chất Đệ Nhất (Hà Phan) và các đại biểu từ các viện, trường, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí.



Analytica là một trong những hình thức hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ cao của nước ngoài vào Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc kết nối cung và cầu công nghệ, thiết bị tiên tiến của nước ngoài. Những hoạt động này sẽ giúp cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu công nghệ cao, thiết bị hiện đại giảm chi phí tìm kiếm ở nước ngoài và được tiếp cận trực tiếp tại Việt Nam. Khách hàng có điều kiện so sánh, lựa chọn, tránh được nhiều rủi ro trong quá trình giao dịch, mua bán thiết bị, chuyển giao công nghệ cao.

Trong giai đoạn nhội nhập kinh tế thế giới hiện nay, chất lượng của công tác phân tích, chẩn đoán có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cũng như đối với công tác kiểm tra, kiểm soát, giám định chất lượng, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, công tác phân tích phục vụ chăm sóc sức khỏe con người.

Đây là lần thứ 5 sự kiện Analytica được tổ chức tại Việt Nam nhằm mục đích tạo cơ hội cho các tổ chức KH&CN Việt Nam, các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ phân tích, kiểm định, chẩn đoán, các hiệp hội, ngành nghề có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu thông tin về những công nghệ và thiết bị tiên tiến hiện đại trên thế giới; tạo môi trường giao lưu, trao đổi hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài, nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ phân tích, chẩn đoán nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nghiên cứu khoa học, bảo vệ sức khỏe.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, cho biết: Việc tổ chức Analytica Vietnam thường kỳ 2 năm /lần là hoạt động rất có ý nghĩa và cần thiết để các tổ chức KH&CN Việt Nam, các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ phân tích, kiểm định, chẩn đoán có điều kiện tiếp xúc và tìm hiểu thông tin về những công nghệ và thiết bị hiện đại tiên tiến của thế giới. Analytica Việt Nam là một sự kiện hàng đầu đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu về công nghệ sinh học và phân tích tại Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, bà Gabriele Krus, Giám đốc triển lãm của Tổ chức IMAG đã giới thiệu tổng quan về sự ra đời của Tập đoàn triển lãm Analytica toàn cầu và việc thành lập Analytica Vietnam - một thành viên mới nhất của cộng đồng Analytica. Bên cạnh đó, bà Gabriele cũng cho biết, tham dự Hội nghị giới thiệu Analytica Vietnam 2017, các đại biểu cũng được nghe các thuyết trình về những thiết bị phân tích, chẩn đoán và các giải pháp tiên tiến của đại diện các tập đoàn, công ty và các nhà khoa học có uy tín trên thế giới và Việt Nam.

Mở đầu là GS. Phạm Hùng Việt – Giám đốc Trung tâm CETASD, đã giới thiệu về Analytica 2017. Ông cho biết, IMAG là một công ty triển lãm quốc tế đầu tiên tại Đức, họ bắt đầu tổ chức triễn lãm từ năm 1946 cho đến nay với hơn 5000 triển lãm. Analytica Vietnam là một phần của mạng lưới, những sản phẩm trong triễn lãm 2017 là các thiết bị phân tích; đo lường và thử nghiệm/quản lý chất lượng; công nghệ phòng thí nghiệm; khoa học sự sống và công nghệ sinh học; công nghệ sinh học/chẩn đoán và các hội thảo trong Analytica Vietnam 2017. Điểm nổi bật ở Analytica Vietnam 2017 đó là có hội thảo thực hành cho người sử dụng phòng thí nghiệm.

PGS.TS Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Enzym và Protein, cho biết, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein (PTNTĐCNEP) là một trung tâm nghiên cứu ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học QG HN), được Nhà nước đầu tư trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại để nghiên cứu và phát triển công nghệ enzyme và protein hiện đại. Hiện có 137 trang thiết bị cơ bản cũng như chuyên sâu cho mục đích nghiên cứu về ADN, ARN, protein, enzyme và các lĩnh vực liên quan khác. Khu thí nghiệm chính có tổng diện tích gần 400m2 và khu phụ trợ chung với Khoa sinh học bao gồm phòng nuôi cấy tế bào người và động vật và phòng nuôi động vật thực nghiệm.

TS. Nguyễn Trung Nam - Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Gen, thuyết trình về hiện trạng các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Nhà nước và nhu cầu công nghệ, thiết bị và giải pháp mới của phòng thí nghiệm công nghệ Gene.Với phương châm là phòng thí nghiệm mở, kết quả hoạt động khoa học của Phòng thí nghiệm trọng điểm Gen có thể được xem là tập hợp của kết quả các đơn vị trong Viện sử dụng (thường xuyên và trực tiếp) các trang thiết bị của Phòng thí nghiệm trọng điểm Gen cho các nghiên cứu của mình. Nhờ có các trang biết bị của Phòng thí nghiệm trọng điểm Gen, các đơn vị trong Viện đã có điều kiện đăng ký, đấu thầu và triển khai thực hiện hàng loạt đề tài, đề án thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ trong nước và hợp tác quốc tế.

Ths. Vũ Xuân Thủy – Giám đốc Văn phòng công nhận chất lượng Việt Nam đã giới thiệu về chức năng và nhiệm vụ của Văn phòng công nhận chất lượng Việt Nam (Bureau of Accreditation – BoA). Hiện nay BoA đánh giá, công nhận cho các phòng thí nghiệm, tiêu chuẩn giám định, tiêu chuẩn công nhận trên cả nước. Có một số phòng thí nghiệm, tiêu chuẩn giám định tại các nước như Indonesia, Brunei, Lào, Campuchia cũng được BoA công nhận. Nhiệm vụ của BoA là góp phần nâng cao chất lượng các phòng thí nghiệm, tiêu chuẩn giám định, tiêu chuẩn công nhận; hỗ trợ quản lý nhà nước và tạo sự tin cậy vào các chứng chỉ/báo cáo kết quả của các tổ chức đánh giá sản phẩm được công nhận. BoA tiếp tục duy trì và mở rộng thừa nhận quốc tế cho các mảng công nhận mới xã hội quan quan tâm (Global Gap, EMS).

Có thể nói, Analytica Vietnam 2017 thực sự là cơ hội tốt, giúp cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy các công nghệ, thiết bị và đối tác hợp tác trong sự lựa chọn tối ưu nhất. Đồng thời, tạo môi trường giao lưu, trao đổi, hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ phân tích, chẩn đoán nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nghiên cứu khoa học, bảo vệ sức khỏe con người của doanh nghiệp Việt Nam./.

Lượt xem: 1940

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)