Thứ tư, 18/05/2016 16:09 GMT+7

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngày 17/5/2016, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 3. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động được ĐHQGHN tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm Đại học Đông Dương- tiền thân của ĐHQGHN.

Tham dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cùng lãnh đạo ĐHQGHN và đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại buổi Lễ

Tại Lễ kỷ niệm, ĐHQGHN đã trao tặng Giải thưởng Khoa học và công nghệ ĐHQGHN giai đoạn 2011-2015 cho 10 cụm công trình KH&CN bao gồm: Sự phát triển nghĩa từ vựng tiếng Việt từ 1945 đến 2005; Lịch sử và Văn hóa Việt Nam; Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội; Chính sách tôn giáo và Nhà nước pháp quyền; Quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam; Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế; Chế tạo và nghiên cứu vật liệu, linh kiện tổ hợp hữu cơ ứng dụng trong vi phân tích y-sinh và môi trường; Phát triển và ứng dụng các hệ thiết bị điện di mao quản trong phân tích, quan trắc môi trường nước tại Việt Nam; Xây dựng và phân tích hệ gene người Việt; Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vi mạch mã hóa tín hiệu Video VENGME H.264/AVC.

Nhân dịp này, ĐHQGHN cũng trao tặng Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN năm 2016: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh- Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; PGS.TS. Đặng Hoàng Minh- Trường Đại học Giáo dục; TS. Vũ Duy Linh và TS. Nguyễn Văn Đoàn- Viện Công nghệ thông tin.

Nhân dịp này, Lãnh đạo ĐHQGHN đã chúc mừng Tạp chí Khoa học ĐHQGHN nhân dịp ra mắt số đầu tiên của chuyên san Vật liệu và Linh kiện tiên tiến và tham dự Lễ ký kết hợp đồng tài trợ kinh phí nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và ĐHQGHN đối với các đề tài nghiên cứu cơ bản.

ĐHQGHN cũng công bố quyết định thành lập 07 phòng thí nghiệm (PTN) trọng điểm cấp ĐHQGHN. Đây là những PTN được quy hoạch trong hệ thống PTN được xây dựng theo ngành, chuyên ngành đào tạo, nhằm gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học ở ĐHQGHN. Các PTN trọng điểm bao gồm: PTN trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm cấp ĐHQGHN; PTN trọng điểm Địa môi trường và Ứng phó Biến đổi Khí hậu cấp ĐHQGHN; PTN trọng điểm phát triển năng lượng sinh học cấp ĐHQGHN; PTN trọng điểm khoa học tính toán đa tỉ lệ cho các hệ phức hợp cấp ĐHQGHN; PTN trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong Phát triển xanh cấp ĐHQGHN; PTN trọng điểm Công nghệ micro và nano cấp ĐHQGHN và PTN trọng điểm hệ thống tích hợp thông minh cấp ĐHQGHN.


Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức trao quyết định thành lập các Phòng thí nghiệm (PTN) trọng điểm cấp ĐHQGHN

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Phạm Đại Dương đánh giá cao những nỗ lực phát triển KH&CN của ĐHQGHN trong thời gian vừa qua. Trường đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hoạt động KH&CN của trường đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trường đã có những sản phẩm chất lượng cao gắn với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống, thúc đẩy công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế. Trường đã có nhiều công trình nghiên cứu được giải thưởng. Năm 2016, ĐHQGHN đã có một công trình nghiên cứu được Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Những kết quả đạt được đã chứng tỏ những bước đi đúng đắn của ĐHQGHN đối với hoạt động KH&CN. Việc quyết định thành lập các PTN trọng điểm, ra mắt Chuyên san Vật liệu và Linh kiện tiên tiến, Tạp chí của ĐHQGHN theo tiêu chuẩn quốc tế... là những minh chứng tích cực cho việc chủ động thực hiện định hướng phát triển khoa học của trường. Tôi tin tưởng rằng, với những quyết tâm của lãnh đạo nhà trường và sự đồng lòng của các nhà khoa học, hoạt động KH&CN của trường sẽ ngày càng có nhiều thành tựu to lớn đóng góp tích cực vào thành quả chung của ngành KH&CN Việt Nam.
 

Lượt xem: 1691

TAGS :
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)