Thứ sáu, 14/10/2016 16:13 GMT+7

Câu chuyện về người đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học trong nước

Mùa thu năm 1984, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Bách Khoa (ĐHBK) Hà Nội diễn ra một sự kiện quan trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử của Trường, một luận án tiến sĩ khoa học với đề tài về chuyển động của các hệ cơ chịu liên...

Vinh dự đó thuộc về Phó Tiến sĩ Đỗ Sanh (tên khai sinh là Đỗ Sanh Dạn), Chủ nhiệm Bộ môn Cơ lý thuyết- Khoa Chế tạo máy của Trường ĐHBK Hà Nội, người đã nhiều năm vượt gian khó, thiếu thốn, miệt mài nghiên cứu, tích lũy kiến thức vươn lên đỉnh cao khoa học. Đây cũng là sự nối tiếp những thành thích xuất sắc mà Đỗ Sanh đã gặt hái được từ khi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan (những năm 1975-1978) với sự chỉ bảo và giúp đỡ ân cần của những người thầy như GS Tạ Quang Bửu, GS.TS Nguyễn Văn Đạo cùng nhiều nhà khoa học nổi tiếng của các nước anh em. Vào giờ phút đáng ghi nhớ ấy, Đỗ Sanh cảm động muốn trào nước mắt. Bồi hồi nhớ lại những năm tháng không thể nào quên.

Mùa đông năm 1954, từ một làng quê yên tĩnh ở Quảng Ngãi, chàng thanh niên với dáng người đậm, gương mặt thông minh từ biệt quê hương ra Bắc tập kết, mang theo lời dặn của cha: “Cố gắng học hành để xứng đáng với gia đình và quê hương, đừng phụ lòng yêu thương đùm bọc của bà con, cô bác ngoài Bắc”. Đỗ Sanh cùng bốn người nữa, ngày đi đêm nghỉ, cuốc bộ gần 300 cây số đến cảng Quy Nhơn để kịp lên tàu ra Bắc. Năm đó, nước ta mới bắt đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội theo con đường công nghiệp hóa, Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách Khoa vừa thành lập, Đỗ Sanh vào học khóa I Khoa Cơ khí với mong mỏi đem tài năng ra giúp đời như lời cha dặn. Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Đỗ Sanh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở Bộ môn Cơ học lý thuyết. Từ đó đến nay đã mấy mươi năm trôi qua, chàng thanh niên Đỗ Sanh ngày nào nay đã là GS.TS, một trong các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực cơ học Việt Nam. Nhiều thế hệ học trò của NGƯT Đỗ Sanh nay đã trưởng thành, đang giữ trọng trách tại nhiều vị trí công tác trên khắp mọi miền đất nước. Trong tâm trí họ, vẫn nguyên vẹn hình ảnh thầy Sanh hết lòng vì sinh viên. Trong hành trang vào đời của họ có biết bao kiến thức và kinh nghiệm sống mà thầy đã truyền đạt.

Là nhà giáo giàu kinh nghiệm, GS Đỗ Sanh chủ biên nhiều cuốn sách giáo khoa có uy tín về Cơ học lý thuyết và Cơ học ứng dụng, biên soạn sách chuyên khảo về dao động và ổn định, cơ học giải thích. Cùng với tập thể các nhà giáo uy tín khác, GS Đỗ Sanh đã có những đóng góp quan trọng đưa Bộ môn Cơ học lý thuyết trở thành một trong các đơn vị có trình độ chuyên môn góp phần làm hình thành và phát triển chuyên ngành cơ – tin kỹ thuật của Trường ĐHBK Hà Nội nói riêng và ngành cơ học Việt Nam nói chung. Trong NCKH, Đỗ Sanh cũng là tấm gương sáng cho đồng nghiệp, với tình yêu khoa học và đam mê khám phá. Năm 1973, Đỗ Sanh công bố công trình khoa học đầu tiên với tiêu đề: “Phương trình chuyển động của hệ cơ học với liên kết không holomon phi tuyến cấp 2” như cánh chim báo tin vui về một tài năng khoa học có tiềm năng lớn.

Những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cùng với cán bộ và sinh viên Trường, Đỗ Sanh rời trường sơ tán. Bên ngọn đèn dầu, trong căn lán nhỏ nơi vùng núi Lạng Sơn cách Hà Nội gần 200 km, đêm đêm Đỗ Sanh mê mải cùng các trang sách, tự trang bị kiến thức cơ bản, chuẩn bị mọi tiền đề cho bước đi sau này trên con đường khoa học. Sáu năm liền, trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ, trong gian phòng chật chội thường xuyên mất điện ở khu nhà cấp 4, Đỗ Sanh vẫn đi sâu nghiên cứu, viết bài, đánh máy luận văn… bất chấp những khó khăn, thiếu thốn. Cả đất nước đang chạy đua với đế quốc Mỹ, Đỗ Sanh làm việc hối hả chạy đua với thời gian.


Chúc mừng đồng chí Đỗ Sanh (người đứng) bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Trường
(Ảnh: Hạ Minh)


Năm 2016 này, đối với GS Đỗ Sanh có thật nhiều ý nghĩa. Nếu như cách đây 60 năm, chàng thanh niên Đỗ Sanh tuổi đôi mươi phơi phới bước vào Trường ĐHBK Hà Nội, bắt đầu năm học đầu tiên ở một trường đại học lớn, nổi tiếng nhất cả nước, con chim đầu đàn, niềm tự hào của ngành giáo dục Việt Nam, thì năm nay cũng là năm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của ông. Câu chuyện về người đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học trong nước tại Trường ĐHBK Hà Nội bắt đầu bằng không khí dịu mát của mùa thu Hà Nội những năm đầu của thập niên 80 tại Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ Trường ĐHBK Hà Nội thì kết thúc bài viết này bằng không khí hân hoan trong những ngày thu tháng Chín trong tiết trời mát lành và niềm vui khi Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường đã tới.

Lượt xem: 5526

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)