Tại buổi làm việc, hai đơn vị đã trao đổi thông tin về các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp CNTT và nhu cầu, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp CNTT đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Theo ông Lê Xuân Hòa - Phó Tổng thư ký VINASA, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam hiện có 300 doanh nghiệp hội viên, trong đó khoảng 60% doanh nghiệp sản xuất phần mềm. Hầu hết các doanh nghiệp này đều đáp ứng đủ các điều kiện để công nhận doanh nghiệp KH&CN. Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp sản xuất phần mềm cũng được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự như doanh nghiệp KH&CN. Qua kết quả khảo sát, đa phần các doanh nghiệp chưa có nhu cầu đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN do các chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn cũng như ngại các thủ tục hành chính trong quá trình đăng ký.
Để khuyến khích doanh nghiệp CNTT phát triển theo mô hình doanh nghiệp KH&CN, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp về: hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp (hỗ trợ văn phòng làm việc có vị trí thuận lợi cho việc tiến hành các hoạt động giao dịch), ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi trong việc sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường. Hoạt động của VINASA hiện nay cũng tập trung chủ yếu trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT tiếp cận thị trường trong và ngoài nước (qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp thông qua việc trao giải thưởng cho những doanh nghiệp tiêu biểu,…). Tuy nhiên, do nguồn lực của VINASA cũng như các chương trình xúc tiến thương mại do các Bộ, ngành đang triển khai còn hạn chế nên việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, thương mại hóa các sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Tại buổi làm viêc, Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục PTTTDN đã chia sẻ thông tin về các chương trình quốc gia hỗ trợ phát triển KH&CN do Bộ KH&CN chủ trì, trong đó có Chương trình phát triển thị trường KH&CN có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Hiện nay, Cục PTTTDN đang chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KH&CN. Cục mong muốn thông qua VINASA có thể thu thập được các thông tin về những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sử dụng quỹ phát triển KH&CN cũng như nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp CNTT khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp KH&CN. Hai đơn vị cũng đã thảo luận về việc xây dựng kế hoạch hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp CNTT và hỗ trợ các doanh nghiệp này chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.