Tham dự buổi tọa đàm có đại diện: Hội Khoa học Lịch sử thành phố, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng, Ban tuyên giáo các quận Hồng Bàng và Lê Chân, Hội Kiến trúc thành phố, Câu lạc bộ Hải Phòng học và các nhà nghiên cứu lịch sử trên địa bàn thành phố…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng nhìn lại chặng đường lịch sử hình thành và phát triển đô thị Hải Phòng thông qua các tham luận: Vài nét về quá trình đô thị hóa Hải Phòng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; Không gian đô thị Hải Phòng những năm 1955-1975; Lịch sử hình thành và phát triển đô thị Hải Phòng thời kỳ 1976-1986; Đô thị Hải Phòng từ sau đổi mới đến nay (1986-2016); đồng thời được thưởng lãm nhiều bức ảnh sinh động về kiến trúc Hải Phòng thời kỳ Pháp thuộc…
Thành lập vào năm 1888, lịch sử hình thành và phát triển đô thị Hải Phòng trải qua nhiều giai đoạn. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là giai đoạn gắn liền với quá trình xâm lược, đầu tư bóc lột thuộc địa của thực dân tư bản Pháp. Giai đoạn 1955 – 1975 là thời kỳ phát triển thành phố gắn liền với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đầy hy sinh, gian khổ. Giai đoạn 1975-1986 tuy tương đối ngắn ngủi nhưng lại là giai đoạn thế hệ lãnh đạo thành phố để lại nhiều dấu ấn không thể nào quên với người dân đất Cảng khi Hải Phòng nắm giữ vị thế là cửa ngõ lớn nhất, là pháo đài thép ở khu vực phía Bắc của đất nước - vị thế này vẫn luôn được giữ vững kể từ sau thời điểm miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) đến nay. Từ năm 1986 – 2016 là giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế; Giai đoạn này, thành phố phát triển mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị trí thương cảng lớn nhất miền Bắc, đô thị loại 1 cấp quốc gia, trung tâm vùng Duyên hải Bắc bộ.
Qua hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, người dân Hải Phòng luôn tự hào về trang sử vẻ vang của thành phố, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc và trong công cuộc đổi mới hiện nay. Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng luôn phát huy cao truyền thống “trung dũng, quyết thắng, năng động, sáng tạo”, nỗ lực xây dựng thành phố xứng đáng với danh hiệu đô thị trung tâm cấp quốc gia.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu sử học, kiến trúc đưa ra nhiều ý kiến góp ý: đề nghị nâng cấp vấn đề này thành một đề tài khoa học; các tham luận nên căn cứ vào “tiêu chí đô thị” để phân kỳ quá trình hình thành và phát triển đô thị Hải Phòng; cần chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng, từ đó đề xuất với thành phố giải quyết những vấn đề còn tồn tại; hay sự cần thiết phải chỉ ra nét riêng của đô thị Hải Phòng là được hình thành từ Cảng, sự phát triển của Cảng gắn liền với sự phát triển của đô thị Hải Phòng…