Thứ tư, 05/10/2016 13:31 GMT+7

Sản xuất thử nghiệm 2 giống ca cao PBC 157 (TD7) và PBC 159 (TD9) tại các tỉnh phía Nam

Trong thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên do ThS. Đào Thị Lam Hương dẫn đầu, đã thực hiện dự án: “Sản xuất thử nghiệm 2 giống ca cao PBC 157 (TD7) và PBC 159 (TD9) tại các...


Ở Việt Nam, cây ca cao hiện đang được chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đa dạng hóa sản phẩm trong nông nghiệp. Diện tích trồng ca cao trên cả nước tính đến tháng 12/2014 là 16.829 ha và sản lượng hạt ca cao khô lên men là 6.434 tấn hạt khô/năm, trong đó diện tích ca cao cho thu hoạch chiếm 50% và diện tích ca cao trồng xen chiếm tới 90%. Đến tháng 7/2015, diện tích ca cao trên cả nước đã giảm xuống chỉ còn 11.700 ha.

Các giống ca cao gồm 8 dòng TD1, TD2, TD3, TD5, TD6, TD6, TD10, TD14 được công nhận chính thức cho phép trồng tại các tỉnh phía Nam và 5 cây đầu dòng TD5, TD7, TD11, TD12, TD13 chọn lọc trong nước (trồng tại các tỉnh Tây Nguyên) đã được công nhận phục vụ cho sản xuất vào năm 2006. Các giống ca cao này mặc dù tiềm năng cho năng suất cao (có thể đạt từ 3-5 tấn/ha), nhưng năng suất đạt được trên thực tế còn thấp do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là thiếu kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng, thâm canh.

Năm 2011, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã tiếp tục chọn lọc được 2 giống ca cao mới PBC 157 (TD7) và PBC 159 (TD9) được công nhận là giống cho sản xuất thử. Tuy nhiên, trước khi phát triển và nhân rộng cho sản xuất thì các giống này cần được tiếp tục khảo nghiệm và xác định vùng trồng thích hợp thông qua việc sản xuất thử trên một số diện tích tại các vùng trồng chính. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm 2 giống ca cao PBC 157 (TD7) và PBC 159 (TD9) tại các tỉnh phía Nam”.

Dự án đã thu được những kết quả sau:
- Kết quả các thí nghiệm ghép trong vườn ươm cho thấy: Thời vụ ghép vào tháng 3 đạt tỷ sống và xuất vườn cao hơn so với ghép vào tháng 5 và tháng 7 trên cả 2 giống PBC 157 (TD7) và PBC 159 (TD9).
- Kết quả ghép cải tạo vườn cây ca cao bằng phương pháp ghép nối ngọn giúp tăng tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây ghép so với ghép áp trong thời gian đầu. Sự sinh trưởng của cây ghép sau 18 tháng trở đi giữa 2 phương pháp ghép áp và ghép nối ngọn không có sự khác biệt lớn.
- Các thí nghiệm thâm canh cho thấy: Các mức bón phân đạm và kali tăng 25% và 50% so với quy trình cho thấy năng suất tăng và khác biệt rõ so với đối chứng trên cả 3 điểm thí nghiệm. Xét hiệu quả kinh tế vào năm thứ 3 sau khi thực hiện thí nghiệm cho thấy trên tất cả các điểm khi gia tăng lượng phân bón cho cây ca cao đều có hiệu quả kinh tế hơn so với mức đối chứng.
- Trên cơ sở kết quả thí nghiệm nhân giống ghép và thâm canh, dự án đã hoàn thiện được 3 quy trình: Quy trình ghép nối ngọn cho 2 giống ca cao PBC 157 và PBC 159; Quy trình ghép cải tạo bằng 2 giống ca cao PBC 157 và PBC 159; Quy trình thâm canh 2 giống ca cao PBC 157 và PBC 159.
- Đã sản xuất thử được 10 ha, trong đó bao gồm: 2 ha ghép cải tạo vườn giống cũ năng suất thấp bằng các giống mới sản xuất thử, 4 ha trồng mới từ các giống sản xuất thử tại các điểm hiện đang sinh trưởng khá tốt; 4 ha vườn sản xuất hạt thương phẩm tuổi cây trong thời kỳ kinh doanh đã đạt được ≥ 2 tấn hạt khô/ha sau 3 năm thực hiện dự án. Từ 4 ha vườn sản xuất thương phẩm đã sản xuất được tổng cộng 23.756 kg hạt ca cao thương phẩm trong 3 năm.
- Đã sản xuất được 30.000 cây giống ca cao ghép đạt tiêu chẩn xuất vườn trong 3 năm thực hiện (từ năm 2012 - 2014), đã cung cấp đủ mỗi năm 10.000 cây ghép bằng 2 giống sản xuất thử đủ tiêu chẩn xuất vườn cho các hộ nông dân tham gia trồng sản xuất thử tại các tỉnh Đăk Lăk, Phú Yên, Đăk Nông, Gia Lai và Bình Phước.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị mở rộng sản xuất 2 giống ca cao PBC 157 và PBC 159 cho nhiều điểm khác tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11573/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 2678

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)