Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, ông Seth Hays, Trưởng đại diện INTA tại Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng hơn 120 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, cơ quan bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), các hiệp hội, chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực SHTT và các cơ quan thông tấn, báo chí. Đây là một hoạt động của Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” trong khuôn khổ Bản ghi nhớ được ký kết ngày 24/3/2015 giữa Bộ KH&CN và INTA về xây dựng, triển khai các hoạt động phối hợp trong lĩnh vực SHTT.
Tại hội thảo, nhiều nhãn hiệu quen thuộc như Vinamilk, Vinacafe, Nike,… đã chia sẻ về hành trình xây dựng cũng như bảo vệ nhãn hiệu của mình. Đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về “công nhận nhãn hiệu nổi tiếng” mà nhiều doanh nghiệp đang trăn trở.
Các tham luận tại hội thảo tập trung vào những nội dung chính như: Thực tiễn bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng (NHNT) tại Việt Nam; đấu tranh chống hàng giả để bảo hộ NHNT tại Việt Nam; xử xâm phạm quyền đối với NHNT tại Cơ quan Quản lý thị trường; bảo hộ NHNT ở Liên minh Châu Âu; bảo hộ NHNT tại Hoa Kỳ và những khó khăn mà các chủ sở hữu tài sản trí tuệ đang phải đối mặt; thực thi quyền đối với NHNT – Góc nhìn qua các vụ việc; bảo hộ NHNT tại các nước Châu Á - Thái Bình Dương; xu hướng bảo hộ NHNT; dự án Nhãn hiệu nổi tiếng - những vấn đề nghiên cứu cơ bản; đề xuất chính sách và sửa đổi pháp luật bảo hộ NHNT; tăng cường cơ chế phối hợp trong thực thi quyền đối với NHNT; nâng cao vai trò của Toà án trong việc công nhận và thực thi quyền đối với NHNT; chuẩn hoá tiếp cận xã hội về NHNT và vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp;...
Theo bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, thời gian qua, bảo hộ và thực thi quyền đối với NHNT là vấn đề pháp lý, thực tiễn phức tạp và gây nhiều tranh luận. Luật SHTT đã ban hành hơn 10 năm, trong đó quy định tiêu chí, thẩm quyền về công nhận NHNT. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng những quy định này để công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng thực sự vẫn là thách thức đối với cơ quan chức năng. Đến nay, chưa có bất cứ nhãn hiệu nào được chính thức công nhận đưa vào danh mục các NHNT. Hệ quả là, các chủ sở hữu nhãn hiệu có chất lượng, uy tín, được đông đảo công chúng biết đến vẫn chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng pháp luật quy định cho chủ các NHNT để bảo vệ các nhãn hiệu của mình, chống lại các hành vi xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp với INTA thực hiện Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” nhằm nghiên cứu, đánh giá, thu thập và tổng hợp thông tin, ý kiến từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan, chủ sở hữu nhãn hiệu, các doanh nghiệp và đại diện sở hữu công nghiệp về những vướng mắc trong việc thi hành các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan tới việc công nhận, bảo hộ và thực thi quyền đối với NHNT; hình thành hệ thống căn cứ lý luận và thực tiễn cho những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về NHNT, góp phần tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn và nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền đối với NHNT tại Việt Nam.
Dự án đang được triển khai với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN (Thanh tra Bộ KH&CN, Cục SHTT), một số cơ quan bảo hộ và thực thi quyền sở SHTT (Cục cảnh sát kinh tế, Bộ Công an; Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương; Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục hải quan), một số thành viên INTA (nhóm “Task force”), các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (như Tập đoàn BMW, Nike Việt Nam, Inter Ikea, Công ty CP sữa Vinamilk, Vinacafe, Công ty CP Tập đoàn Minh Phú), các đại diện sở hữu công nghiệp, văn phòng, công ty luật./.