Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; các Chủ nhiệm, Ban chủ nhiệm Chương trình KC.08/11-15; đại diện các Vụ chức năng có liên quan thuộc Bộ KH&CN cùng đại diện nhiều viện, trường trong cả nước.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghịTại Hội nghị, PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ nhiệm Chương trình đã báo cáo những kết quả đạt được sau 5 năm nghiên cứu.
Báo cáo cho biết, nhiệm vụ của Chương trình nghiên cứu được triển khai với mục tiêu chính là áp dụng, phát triển và hoàn thiện được các công nghệ dự báo tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm như bão, lũ lụt miền trung; phát triển và hoàn thiện được các công nghệ mới trong xây dựng các giải pháp, công trình phòng chống thiên tai. Qua các nghiên cứu có hiệu quả và tạo ra được công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam để có hướng xử lý ô nhiễm môi trường kết hợp xử lý nguồn thải…
Chương trình được phê duyệt triển khai 36 nhiệm vụ nghiên cứu đã tập hợp được một lực lượng lớn các nhà khoa học đầu ngành cũng như đội ngũ đông đảo các nhà khoa học trẻ về các lĩnh vực khác nhau của Chương trình. Theo thống kê, tham gia thực hiện các đề tài thuộc Chương trình có khoảng 300 nhà nghiên cứu khoa học có học vị TS, TSKH, ThS. Với đội ngũ các nhà khoa học hùng hậu, sau 5 năm triển khai, Chương trình đã đào tạo được 44 nghiên cứu sinh, 25 tiến sĩ, 121 thạc sĩ.
Đáng chú ý, Chương trình đã có 205 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước; 37 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài và nhiều bài báo được báo cáo tại các hội nghị trong nước và quốc tế.
Một sản phẩm nghiên cứu của Chương trình được trưng bày tại Hội nghịPGS.TS Lê Mạnh Hùng cho biết, sau 5 năm Chương trình đã đạt được kết quả rất ấn tượng, đã tạo ra 37 công nghệ và quy trình; 25 giải pháp kỹ thuật; 10 dây chuyền, thiết bị; 14 dây chuyền trình diễn ngoài thực tế, các mô hình trình diễn được bàn giao cho cơ sở, địa phương và đang kiến nghị nhân rộng. Đặc biệt đã có 7 chế phẩm, chủng được tạo ra từ thiết bị công nghệ, từ nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình, có thể kể đến một số kết quả quả nổi bật như:
Đề tài nghiên cứu “Xây dựng quy trình công nghệ dự báo quỹ đạo và cường độ bão trên khu vực Tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông hạn 5 ngày” (KC.08.01/11-15); “Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo hạn hán cho Việt Nam với thời hạn đến 3 tháng” (KC.08.17/11-15); “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ mới trong gia cố biển bằng phương pháp neo đất, sử dụng phụ gia consolid và chống xói mòn lớp bảo vệ mái”; “Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí và phân vùng khai thác bền vững, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng Đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ”; “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp xử lý suy thoái môi trường nước nhằm sử dụng bền vững tài nguyên cho các vùng nuôi tôm các tỉnh ven biển Bắc Bộ và vùng nuôi cá tra Đồng bằng sông Cửu Long”;…
“Kết quả đánh giá nghiệm thu sản phẩm công nghệ của đề tài khẳng định khả năng lớn trong hợp tác các đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế. Điều đó khẳng định Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện xây dựng được các công nghệ để giải quyết nhiều nhiệm vụ KH&CN phức tạp, theo yêu cầu phát triển xã hội theo hướng hiện đại hóa”, PGS.TS Lê Mạnh Hùng cho biết thêm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá cao những kết quả Chương trình KC.08/11-15 đã đạt được trong 5 năm qua. Thứ trưởng cho rằng cả 3 nội dung nghiên cứu của Chương trình là phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên đều rất quan trọng. Chương trình KC.08/11-15 đã trải qua 4 giai đoạn tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu đất nước trong lĩnh vực này tạo ra các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là những cơ sở quan trọng để Chương trình tiếp tục được triển khai nghiên cứu trong giai đoạn tới.