Thứ sáu, 18/03/2016 08:05 GMT+7

Chương trình KC.10/11-15 chuẩn bị tổng kết giai đoạn 2011 – 2015

Sản xuất thành công vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em (đạt Giải thưởng Kovalevskaia); phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý tuyến giáp (đạt Giải thưởng Nhân tài Đất Việt); ghép thận từ người cho tim ngừng đập;… Đó là những kết quả,...

Thông tin được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Tổng kết Chương trình KC.10/11-15 do Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) tổ chức chiều ngày 11/3/2016, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì buổi gặp mặt. Cùng dự còn có các đồng chí: Trung tướng, GS.TS Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, Chủ nhiệm chương trình KC.10/11-15; Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước Nguyễn Thiện Thành; Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y; Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Trọng Chính, Chính ủy Học viện Quân y.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cùng các nhà khoa học trả lời câu hỏi của báo chí


Tại buổi gặp mặt, Trung tướng, GS.TS Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, Chủ nhiệm Chương trình KC.10/11-15 đã thông báo kết quả của chương trình, cũng như những thành công và ý nghĩa của chương trình. Theo đó, trong giai đoạn 2011 – 2015, Chương trình đã ứng dụng, phát triển thành công nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, góp phần tích cực nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thành công của chương trình là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng, đưa trình độ y-dược trong nước theo kịp trình độ y học thế giới. Đồng thời, các kỹ thuật mới của chương trình còn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn cho đất nước thông qua việc giảm chi phí điều trị ở nước ngoài, giá thuốc của chương trình thấp hơn nhiều so với giá thuốc nhập ngoại hay giảm các chi phí phục vụ người bệnh nhờ các phương pháp điều trị mới do chương trình mang lại,…

Các đề tài, dự án thuộc Chương trình đã ứng dụng, phát triển thành công các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến tạo ra nhiều sản phẩm như: ứng dụng tế bào gốc trong điều trị vết thương, vết bỏng, điều trị ung thư; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất vắc xin, chế tạo sinh phẩm y tế và thuốc chữa bệnh; ứng dụng các kỹ thuật nội soi, phẫu thuật ít xâm lấn trong chẩn đoán và điều trị bệnh; ứng dụng kỹ thuật can thiệp mạch; triển khai ghép tạng ở người; ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực dược,…

Một số sản phẩm, công trình khoa học đã trở thành thương hiệu và được vinh danh trong nước và quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của các nhà khoa học Việt Nam trên trường quốc tế như: Sản xuất thành công vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em (đạt Giải thưởng Kovalevskaia); phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý tuyến giáp (đạt Giải thưởng Nhân tài Đất Việt); ghép thận từ người cho tim ngừng đập;…


Ghép tạng – một trong những thành tựu quan trọng của Chương trình KC.10/11-15


Tại buổi gặp mặt, rất nhiều câu hỏi của các nhà báo đặt ra cho Thứ trưởng Phạm Công Tạc, GS.TS.Phạm Gia Khánh, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước Nguyễn Thiện Thành, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y, TS. Trịnh Thanh Hùng- Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN), PGS. Trịnh Văn Lẩu- Phó Chủ nhiệm Chương trình KC.10/11-15, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết- Nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, PGS.TS. Trần Ngọc Lương- Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương,… Các câu hỏi liên quan đến tính lan tỏa của những kết quả nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của các đề tài thuộc Chương trình, tình hình chuyển giao, đưa vào thực tiễn các kết quả nghiên cứu, những chính sách đổi mới trong hoạt động KH&CN, khó khăn trong quá trình triển khai nghiên cứu của các nhà khoa học, định hướng của Chương trình KC.10 trong giai đoạn tiếp theo,…

Chương trình KC.10/11-15 là chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước về lĩnh vực y dược, với mục tiêu đưa những tiến bộ khoa học của thế giới vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Thành công của Chương trình còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc trong thực hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về con người: Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội; con người là vốn quý nhất của xã hội và sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Bên cạnh đó, chương trình cũng giải quyết nhiều bệnh hiểm nghèo, giảm tỷ lệ bệnh tật, giúp người bệnh có thể trở về lao động sản xuất, từ đó sẽ giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Chương trình cũng giúp người nghèo được hưởng kỹ thuật cao của y học, bảo đảm tính công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe, từ đó làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Lượt xem: 1829

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)