Thứ tư, 25/05/2016 20:07 GMT+7

Ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị chấn thương sọ não và tai biến mạch não nặng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

“Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đo áp lực nội sọ liên tục trong điều trị chấn thương sọ não và tai biến mạch máu não nặng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp” là nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp thành phố do TS.BSCKII. Nguyễn Thắng Toản cùng...
Nghiên cứu được tiến hành trên 66 bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực ngoại (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp) từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2015, trong đó có 33 bệnh nhân thuộc nhóm chấn thương sọ não nặng và 33 bệnh nhân thuộc nhóm tai biến mạch não nặng. Nhóm chấn thương sọ não nặng có tỷ lệ nam giới chiếm 72,73%, nữ giới chiếm 27,27%; nhóm tai biến mạch não nặng, tỷ lệ nam giới thấp hơn, chiếm 39,39%, nữ giới chiếm 60,61%.
Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp điều trị làm thay đổi áp lực nội sọ và áp lực tai biến mạch não lên các bệnh nhân chấn thương sọ não và tai biến mạch não nặng bằng phương pháp tăng thông khí với các mức PaCO2 nghiên cứu; sử dụng liều midazolam cần thiết để bệnh nhân nằm yên thở theo máy; sử dụng liều bolus midazolam khi hút nội khí quản; sử dụng mannitol và biện pháp chăm sóc bệnh nhân bằng cách đặt bệnh nhân ở tư thế đầu cao. Các nghiên cứu cho thấy: tư thế đầu thẳng, cao 300 là hợp lý nhất; cần đảm bảo duy trì huyết áp trung bình của bệnh nhân chấn thương sọ não trên 90 mmHg và ở bệnh nhân tai biến mạch não từ 105-108 mmHg; duy trì mức thông khí tối ưu với PaCO2 từ 35-40 mmHg ở những bệnh nhân chấn thương sọ não và tai biến mạch não nặng trong những ngày đầu điều trị; duy trì giảm đau bằng fentanyl (1 µg/kg/h), an thần bằng midazolam với liều tối ưu khi thở máy là 0,075 mg/kg/h và liều tối ưu khi hút nội khí quản là 0,05 mg/kg; manitol có tác dụng chống phù não hiệu quả với liều 1g/kg, thời gian kéo dài 251 ± 48 phút ở bệnh nhân tai biến mạch não nặng, 292 ± 52 phút ở bệnh nhân chấn thương sọ não nặng. Nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá hiệu quả tổng hợp của các phương pháp điều trị nội khoa làm giảm áp lực nội sọ (các phương pháp: đầu cao; đầu cao, an thần; đầu cao, an thần, tăng thông khí) cho kết quả tốt với ý nghĩa thống kê p<0,05.
Từ các kết quả nghiên cứu, theo dõi áp lực nội sọ liên tục trong chấn thương sọ não và tai biến mạch não nặng, nhóm tác giả hoàn thiện và đề xuất quy trình điều trị gồm 02 bước: hồi sức hô hấp; đặt thiết bị đo áp lực nội sọ trong nhu mô não theo đúng quy trình kỹ thuật và áp dụng các biện pháp điều trị và xử trí biến chứng.
Trong thời gian nghiên cứu, có 24 bệnh nhân phải can thiệp ngoại khoa (căn cứ hình ảnh trên phim chụp cắt lớp vi tính và do đã áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa mà áp lực nội sọ vẫn tăng cao trên 30 mmHg), trong đó có 15 bệnh nhân thuộc nhóm chấn thương sọ não nặng (chiếm 62,5%), 09 bệnh nhân thuộc nhóm tai biến mạch não nặng (37,5%). Tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng hơn và gia đình xin về trong quá trình điều trị không cao ở cả 02 nhóm: nhóm chấn thương sọ não nặng là 6,06%; nhóm tai biến mạch não nặng là 3,03%.



Đề tài được Hội đồng KH&CN đánh giá xuất sắc bởi tính thời sự và nhân văn cao; đồng thời khẳng định tính mới với khả năng ứng dụng lớn tại nhiều bệnh viện. Thành công của đề tài có ý nghĩa lớn trong điều trị chấn thương sọ não và tai biến mạch não nặng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp nói riêng, Hải Phòng nói chung./.
Thu Nga

Lượt xem: 1843

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)