Thứ sáu, 12/08/2016 16:04 GMT+7

Đừng đốt!

Phóng xạ trong môi trường (PXMT) được nghiên cứu và ứng dụng từ hơn 30 năm qua tại ba cơ sở của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), Hà Nội, Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh. Cả ba nơi đều có các thiết bị quan trắc hiện đại, đồng bộ, và được...
PXMT có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo. Phóng xạ tự nhiên có mặt trên Trái Đất từ thời hình thành hệ mặt trời và tồn tại đến ngày nay nhờ sống lâu hàng tỷ năm, như U-238, U-235, Th-232, K-40. Một số khác như H-3, Be-7, C-14 hình thành do tia vũ trụ liên tục va đập lên các nguyên tử không khí ở thượng tầng khí quyển rồi rơi lắng xuống đất.


Nguồn gốc của các đồng vị sống ngắn

Phóng xạ U, Th, K trong lớp đất bề mặt là nguồn chiếu xạ mạnh nhất lên con người. VINATOM đã hoàn thành bản đồ nền phông phóng xạ tự nhiên (U, Th, K) trong đất bề mặt và công bố trên tạp chí quốc tế. Theo đó, phóng xạ cao nhất ở Tuyên Quang, Yên Bái, dọc theo ven biển miền Trung; thấp nhất ở Tây Ninh, Bình Dương và vùng đất xám miền đông Nam Bộ. Tính trung bình, suất liều hấp thụ ngoài trời từ mặt đất đối với người Việt Nam, tuy cao hơn mức trung bình thế giới đôi chút, nhưng vẫn an toàn.
Trên quy mô toàn cầu, phóng xạ nhân tạo là sản phẩm rơi lắng từ hơn 500 vụ thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển do Mỹ và Liên Xô tiến hành trong thời chiến tranh lạnh trước năm 1963 với sức nổ tổng cộng tương đương hai vạn quả bom thả xuống Hiroshima. Hiện tại dấu vết của chúng trong môi trường chỉ còn lại những đồng vị sống lâu, vài chục năm như Cs-137, Sr-90, hoặc hàng nghìn năm như C-14, Pu-239/240.Trên đất liền, nguồn tồn lưu lớn nhất của chúng vẫn là lớp đất bề mặt 30 cm, nhưng hàm lượng rất thấp so với U, Th, K. Các nhà máy điện hạt nhân đóng góp không đáng kể, trừ một số vùng gần nơi xảy ra hai tai nạn Chernobyl và Fukushima.
Bản đồ phóng xạ nhân tạo Cs-137 được hoàn thành vào những năm cuối thế kỷ trước từ một dự án phối hợp nghiên cứu rất công phu để chọn ra 300 bãi cỏ nguyên trinh (không bị xói mòn hoặc bồi lắng) trên toàn lãnh thổ nhằm khôi phục lại mật độ rơi lắng Cs-137 từ các cuộc thử vũ khí hạt nhân trước năm 1963, vì thời ấy Việt Nam chưa có điều kiện đo đạc. Cs-137 tăng dần từ Nam ra Bắc, Hà Giang cao gấp bốn lần Cà Mau. Ở những nơi mưa nhiều thuộc miền Trung, từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh, Cs-137 cũng cao chẳng kém vùng biên giới phía Bắc. Mô hình hồi quy dựng nên từ kết quả thực nghiệm đã được sử dụng để nghiên cứu xói mòn đất, không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở các nước láng giềng. Về Pu-239/240, vì đo đạc rất mất công nên quy luật phân bố nền phông chỉ dựa trên so sánh Pu-239/240 với Cs-137 trong 60 mẫu đất bề mặt nguyên trinh.
Do vĩ độ thấp, khô hạn và nhiều cát, nên theo công trình trên dấu vết phóng xạ từ các cuộc thử vũ khí trước năm 1963 tại vùng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận rất yếu. Kết quả khảo sát mới đây trong vùng bán kính 80 km quanh nhà máy đã xác nhận hoàn toàn kết luận này.
Trong không khí, dấu vết từ những vụ thử vũ khí hạt nhân trước năm 1963 rất yếu, không phát hiện được, ngay cả khi dùng những máy hút khí có lưu tốc cực lớn. Tuy nhiên nhờ quan trắc liên tục phóng xạ trong không khí trong hơn hai thập kỷ qua mà VINATOM đã phát hiện được phóng xạ lan đến từ hai tai nạn hạt nhân Chernobyl (năm 1986) và Fukushima (năm 2011) cách Việt Nam hàng nghìn km. Đây là hai công bố quốc tế độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á.
Cũng trong không khí, Be-7 được quan trắc liên tục ở Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994 (Viện Nghiên cứu hạt nhân - Đà Lạt). H-3 trong nước mưa và nước sông Hồng được quan trắc liên tục từ năm 2003 (Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân - Hà Nội). C-14 trong nước mặt và nước ngầm được nghiên cứu từ những năm đầu thập kỷ 1980 (Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh). Chưa hết, PXMT còn được dùng làm chất đánh dấu để nghiên cứu các quá trình vận chuyển trong môi trường, đặc biệt là hiện tượng xói mòn đất canh tác và trầm tích ở các hồ chứa. Với ứng dụng này, Viện Nghiên cứu hạt nhân - Đà Lạt đã đoạt giải nhất KHCN giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Lâm Đồng.
Còn gì chưa làm? Đó là PXMT biển. Ở đây kết quả mới chỉ lác đác, chưa thể đúc kết thành những công trình học thuật có ý nghĩa.
Có thể nói, nền phông phóng xạ trong các đối tượng môi trường chính ở Việt Nam xem như đã hoàn chỉnh. Qua những hoạt động này, các nhà khoa học VINATOM đã tìm được chỗ đứng trên mặt tiền khoa học với hơn 15 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế. Thế mà mới đây có người lại tung ra một dự án 70 tỷ: “Nghiên cứu điều tra PXMT trong toàn quốc và khu vực nhà máy điện hạt nhân phục vụ việc quản lý về PXMT”?
Vẫn biết trong khoa học luôn có chỗ để người sau lặp lại việc của người trước nếu, sau khi nghiên cứu thấu đáo kết quả của người trước, họ tự xem mình thiện nghệ hơn, có thiết bị tinh xảo hơn, có phương pháp nghiên cứu hiện đại hơn, nhờ đó sẽ tạo ra đột phá lớn hơn. Chuyện này khó tin! Cho nên nếu trót lọt, việc làm này chẳng khác nào đốt hàng đống tiền đóng thuế của dân sau khi đốt sạch công trình do thế hệ trước để lại.
Đừng đốt! Tôi xin đấy!
GS. Phạm Duy Hiển

Lượt xem: 925

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)