Thứ hai, 15/06/2015 15:06 GMT+7

Hội thảo Nghiên cứu và Phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân Việt - Nhật lần thứ 4

Tiếp nối thành công của 3 lần tổ chức trước, Hội thảo Nghiên cứu và Phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân Việt – Nhật lần thứ 4 đã được tổ chức trong 2 ngày 11 – 12/6/2015 dưới sự tài trợ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN),...

Tới tham dự Diễn đàn về phía Việt Nam có sự tham dự của lãnh đạo Viện NLNTVN, lãnh đạo các đơn vị - ban ngành trực thuộc Viện NLNTVN; đại diện Cục Năng lượng nguyên tử; đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; đại diện đến từ các trường Đại học như Đại học khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt. Về phía khách mời, Hội thảo vinh dự có sự tham dự của GS. Trần Hữu Phát, GS. Phạm Duy Hiển và GS. Pierre Darriulat.

Các đại biểu tham dự đến từ Nhật Bản gồm có các giáo sư, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đến từ Học viện công nghệ Tokyo, Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Nagaoka, Đại học Osaka; JINED, JIC, các công ty Misubishi, Toshiba, Hitachi v.v.

Nội dung thảo luận của Hội thảo lần này tập trung chủ yếu vào vấn đề xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ hạt nhân, song hành với đó là cách sử dụng và xây dựng các thiết bị - hệ thí nghiệm sao cho có hiệu quả. Chương trình Hội thảo được chia thành 2 phần: (1) Hội thảo lắng nghe và thảo luận về các bài trình bày của các đại biểu; (2) phần thảo luận chung với chủ đề “Các chương trình phát triển nguồn nhân lực để làm tăng thêm nhà quản lý cao nhất trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân”.

Bắt đầu Hội thảo, TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện NLNTVN và GS. Masaki SAITO – Học viện công nghệ Tokyo, đã phát biểu khai mạc và chào mừng các đại biểu tới tham dự Hội thảo.


TS. Trần Chí Thành đại diện phía Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo


GS. Masaki SAITO đại diện phía Nhật Bản phát biểu khai mạc Hội thảo

Tiếp đó Hội thảo đã được nghe 16 bài trình bày, trong đó có 6 bài trình bày của các đại biểu Việt Nam và 10 bài của các đại biểu Nhật Bản. Trong các bài trình bày của mình, các đại biểu Việt Nam đã khái quát bức tranh tổng thể về nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân hiện nay, cả ở Cơ quan pháp quy, các Viện nghiên cứu và các trường Đại học. Bức tranh tổng thể này cho thấy hiện nay Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có chất lượng và chất lượng cao, cơ sở vật chất và thiết bị còn thiếu hoặc chưa được sử dụng một cách hiệu quả cho việc đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học. Sự phối hợp – hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực giữa các cơ quan trong nước hiện nay mới chỉ ở bước đầu và còn có nhiều hạn chế. Trong khi đó hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo nhân lực chưa mang lại nhiều bước tiến đáng kể, đặc biệt hiện nay thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng được các yêu cầu để cử đi đào tạo ở nước ngoài cả về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng ngoại ngữ, trong đó ngoại ngữ đang là rào cản lớn nhất. Với những khó khăn và thách thức như vậy, các cơ quan này đang từng bước khắc phục khó khăn bằng việc vạch ra kế hoạch đào tạo nhân lực cụ thể, tiến hành hợp tác sâu rộng hơn nữa với các cơ quan trong nước và với các đối tác nước ngoài.

Nhật Bản có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, do đó các bài trình bày các đại biểu Nhật Bản cho thấy những kinh nghiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống liên kết hợp tác sâu rộng trong việc đào tạo nhân lực và các trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học. Các đại biểu Nhật Bản bày tỏ sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tạo nguồn nhân lực cũng như việc sử dụng một cách hiệu quả các trang thiết bị thí nghiệm.

Xen kẽ các bài trình bày của các đại biểu là các câu hỏi và những sự góp ý về nội dung liên quan đến bài trình bày, các câu hỏi của đại biểu Việt Nam dành cho Nhật Bản tập trung về vấn đề như: Nhật Bản có những giải pháp gì để hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực?; Khi triển khai các chương trình đào tạo ở Việt Nam thì Việt Nam cần phải làm gì để tham gia một cách hiệu quả nhất? v.v. Về phía các đại biểu Nhật Bản, các câu hỏi chủ yếu quan tâm tới sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan của Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Phần thảo luận chung với chủ đề “Các chương trình phát triển nguồn nhân lực để làm tăng thêm nhà quản lý cao nhất trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân”, với các bài trình bày của 6 đại biểu: TS. Trần Chí Thành – Viện NLNTVN, TS. Lê Quang Hiệp – Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, TS. Võ Hông Hải – Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, GS. Masaki SAITO – Học viện công nghệ Tokyo, GS. Akira YAMAGUCHI – Đại học Tokyo, GS. Tadashi NARABAYASHI – Đại học Hokkaido. Phần thảo luận chung đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở với những ý kiến được trình bày từ 6 đại biểu và các câu hỏi cũng như lời đóng góp đến từ các đại biểu.


TS. Lê Quang Hiệp trình bày trong phần thảo luận chung

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Hào Quang – Phó Viện trưởng Viện NLNTVN và GS. Jun SUGIMOTO – Đại học Tokyo, đại diện cho hai bên phát biểu tổng kết hai ngày làm việc của Hội thảo. Thông qua các bài trình bày của các đại biểu, phía Nhật Bản hiểu và nắm rõ hiện trạng nguồn nhân lực của Việt Nam, về phía Việt Nam thấy được những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc đào tào nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ hạt nhân, từ đó hai bên sẽ tìm ra những cơ hội hợp tác cũng như các bước đi cụ thể trong chương trình hợp tác để mang lại hiệu quả tốt nhất cho Việt Nam./.

Lượt xem: 1505

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)