Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2009, diện tích chuối của cả nước là 115.565 ha, sản lượng xấp xỉ 1.751.153 tấn. Hiện tại, cây chuối có diện tích và sản lượng lớn nhất trong các cây ăn quả ở nước ta. Tuy nhiên, năng suất và sản lượng chuối của Việt Nam còn thấp, xuất khẩu chiếm tỷ trọng không đáng kể, sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có,…
Đề tài “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ và kinh tế thị trường phát triển sản xuất chuối tiêu xuất khẩu tại Việt Nam” do TS.Nguyễn Văn Nghiêm – Viện nghiên cứu rau quả làm chủ nhiệm được triển khai nhằm góp phần khắc phục những tồn tại nói trên, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất chuối phục vụ xuất khẩu.
Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã xác định được các giống chuối Tiêu hồng, Braxin và Williams sinh trưởng khỏe, đạt năng suất cao và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, thích hợp với các vùng đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc và Bắc trung bộ. Năng suất của giống chuối Tiêu hồng tại các mô hình đều đạt khá cao, vượt so với đối chứng 25-30%. Thu nhập từ các mô hình sản xuất đạt từ 140-176 triệu đồng/ha, tăng hiệu quả kinh tế so với việc trồng hoa màu khác từ 6-42 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, đề tài đã nghiên cứu thành công kỹ thuật trồng thâm canh chuối tiêu xuất khẩu cho 3 vùng, công nghệ nuôi cấy mô nhân giống chuối tiêu, phòng trừ tổng hợp bệnh thán thư và sâu gặm vỏ quả, bảo quản chuối tiêu xuất khẩu trước và sau thu hoạch; đánh giá được hiệu lực của một số loại thuốc hóa học hạn chế sự sinh trưởng, phát triển của nấm Collectotrichum musae trên môi trường PDA, hay nhúng quả chuối sau thu hoạch vào nước nóng 47 độ C trong 15 phút hoặc nhúng vào dung dịch nước thuốc Bavistin 50FL nồng độ 0,10% hay Topsin M70 WP nồng độ 0,10% trong 2 phút sẽ hạn chế rất tốt nấm gây hại trên quả chuối chín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng.
Ngoài ra đề tài đã xuất bản được 2 bài báo khoa học, đào tạo được 4 cán bộ trình độ thạc sĩ.
Với những kết quả đạt được của đề tài, Hội đồng nghiệm thu nhất trí đánh giá đề tài loại Khá.