Bàn giao đề tài, dự án đã nghiên cứu năm 2014 – 2015 có khả năng ứng dụng vào thực tiễn
Hội nghị do TS. Đặng Xuân Thanh- Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Lào Cai chủ trì. Sở KH&CN Lào Cai đã tổ chức bàn giao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN (2014-2015) kết quả nghiên cứu KH&CN của 14 đề tài, dự án cấp tỉnh (trong đó có 04 đề tài trong lĩnh vực KHXHNV và 10 đề tài dự án trong lĩnh vực nông nghiệp như: Chọn lọc và duy trì sản xuất hạt giống dòng bố mẹ một số tổ hợp lúa lai hai dòng tại Lào Cai; Phục tráng và phát triển một số giống lúa đặc sản Chăm Pet tại huyện Văn Bàn; Xây dựng mô hình kinh tế hộ trồng một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao tại Sa Pa; Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống ba ba gai tại Lào Cai; Nghiên cứu và phát triển bền vững giống lúa Séng cù; Nghiên cứu bảo tồn Bách tán Đài Loan đang có nguy cơ tuyệt chủng; Nghiên cứu khả năng chịu lửa của một số loài cây, xác định tập đoàn cây trồng đường băng xanh cản lửa; Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGap; Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ nuôi thâm canh tổng hợp một số loài cá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Khảo nghiệm và chuyển giao một số giống khoai lang năng suất, chất lượng cao.
Hội thảo đã công bố quyết định và bàn giao 14 đề tài, dự án đã nghiên cứu năm 2014 - 2015 có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cho các cá nhân, tập thể. Đặc biệt, nhân dịp này, 5 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 8 cá nhân được nhận Kỷ niệm chương của Bộ trưởng KH&CN vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển KH&CN của tỉnh.
Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản và chăn nuôi sạch” do Sở KH&CN Lào Cai phối hợp với Cục Thông tin KH&CN quốc gia và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức với mục đích phổ biến thông tin KH&CN mới phục vụ phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, giúp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm của tỉnh Lào Cai phương thức lựa chọn các công nghệ thích hợp cho việc đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về nông sản an toàn để xuất khẩu. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở KH&CN, Sở ban ngành, các Hiệp hội, ngành nghề trong tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm đến vấn đề đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản và chăn nuôi sạch”
Tại Hội thảo, ThS Vũ Thùy Liên- Phó Giám đốc Trung tâm Giao dịch thông tin công nghệ Việt Nam đã giới thiệu tổng quan các thông tin liên quan thị trường nông sản trong nước và trên thế giới, hướng dẫn cách tìm kiếm thông tin công nghệ; ThS Lê Thị Khánh Vân- Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia đã giới thiệu cách thức lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực tiếp nhận công nghệ của các doanh nghiệp, phương thức xây dựng và phát triển thương hiệu.
Đặc biệt, tại Hội thảo các nhà khoa học trẻ của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã giới thiệu các công nghệ phù hợp và đáp ứng nhu cầu của tỉnh Lào Cai như: Các công nghệ tiêu biểu của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch; Công nghệ sử dụng chế phẩm tạo màng dùng cho bảo quản quả có múi; Công nghệ chế biến sản phẩm quả sấy dẻo phổ biến ở Lào Cai; Công nghệ bảo quản ngô quy mô hộ gia đình bằng công nghệ silo bag; Công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ cây ngô quy mô 500 tấn SP/năm.
Các công nghệ thích hợp trên đã được các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh rất quan tâm. Các đại biểu đã đưa ra những câu hỏi thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc sơ chế, bảo quản và chế biến nông sản như: dây chuyền giết mổ gia súc gia cầm tự động, công nghệ chế biến mận, công nghệ bảo quản ngô, cách thức trồng và chăm bón cây ăn quả để chín đều vào cuối vụ… qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản của tỉnh.
Hội thảo là một kênh thông tin hữu ích không những giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến mà còn là cầu nối đưa nhà khoa học – nhà quản lý đến gần hơn với những đơn vị trực tiếp sản xuất. ThS Phạm Thị Hồng Loan, Giám đốc Sở KH&CN Lào Cai đã nêu rõ những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng KH&CN trong sản xuất và kinh doanh của địa phương. Đồng thời cũng chỉ rõ những ưu thế và khó khăn của các sản phẩm nông sản tỉnh Lào Cai cũng như sự cần thiết phải đầu tư áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.