Thứ ba, 31/03/2015 09:00 GMT+7

Xây dựng cơ sở ươm tạo cho đầu tư mạo hiểm

Ngày 25/3/2015, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia của Trường Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia), gồm TS. Jerome Donovan- Điều phối viên chương trình MBA quốc tế,...


Toàn cảnh buổi làm việc với đoàn chuyên gia về lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của Australia

Tại buổi làm việc, TS. Jerome Donovan- Điều phối viên chương trình MBA quốc tế, Trường Đại học Kỹ thuật Swinburne cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, cũng như kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân để xây dựng mạng lưới cơ sở ươm tạo doanh nghiệp ở Việt Nam là việc làm rất cần thiết. Từ mạng lưới đó mới có thể phát triển mạnh mẽ và thu hút được nguồn vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

Theo TS. Jerome Donovan, khi nói về việc đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cần đi liền với cơ sở ươm tạo, bởi đây sẽ là cơ sở để hỗ trợ những công ty mới, những công ty trong giai đoạn đầu khởi nghiệp phát triển thông qua các dịch vụ như đào tạo quản lý hay cung cấp không gian làm việc. Trong đó, những cơ sở ươm tạo này không phải là khu nghiên cứu, khu KH&CN mà là nơi quy tụ các tập đoàn, chính phủ hay các cơ sở thí nghiệm của trường đại học và cả công ty rất nhỏ… mà cơ sở ươm tạo cần thiết lập những yếu tố nền tảng như: dịch vụ, hỗ trợ, phát triển kỹ năng, vốn mồi và điều phối…

Còn theo TS. Eryadi Masli, ở Mỹ, năm 2012 có 1.250 cơ sở ươm tạo với 41.000 start-up (những công ty đang trong giai đoạn khởi nghiệp). Sau 5 năm có 87% doanh nghiệp nhận sự trợ giúp và 44% đối với doanh nghiệp không nhận sự trợ giúp từ cơ sở ươm tạo thành công trong khởi nghiệp, tạo ra 200.000 việc làm và đạt doanh thu hàng năm 15 tỷ USD. Tại Châu Á, cụ thể là tại Indonesia có 32 cơ sở ươm tạo, đến năm 2005 chỉ còn lại 9 cơ sở còn tồn tại và hiện tại chỉ còn 3 cơ sở ươm tạo. Thất bại đó là do thiếu những kỹ năng cần thiết, không có một mô hình tài chính vững chắc và còn mang tính quan liêu.

Trong cộng đồng khởi nghiệp Đông Nam Á thì Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan có các hoạt động khởi nghiệp khá sôi nổi. Song, trong mắt nhà đầu tư, Indonesia có mức độ quan tâm cao nhất do quy mô dân số và quy mô nền kinh tế lớn, cộng đồng internet đông đảo nên các quỹ đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ bùng nổ hơn.
Ở Việt Nam, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã xuất hiện trong vòng 10 năm trở lại đây. Bên cạnh một số sáng lập viên của công ty thành công và chủ động trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư của các quỹ, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt vẫn còn dè chừng. Một yếu tố khác tác động đến sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Việt là có nhiều vướng mắc về chính sách nên làm cản trở dòng vốn ngoại vào Việt Nam (quản lý ngoại hối, quy chế đầu tư nước ngoài...).

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao những vấn đề mà các chuyên gia về đầu tư mạo hiểm đã trao đổi. Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam hiện nay mới bắt đầu bước vào nền kinh tế thị trường. Về vấn đề đầu tư mạo hiểm, hiện nay Việt Nam mới bước đầu có những nghiên cứu do hệ thống luật pháp chưa tương thích. Vì vậy việc xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm với sự hỗ trợ của Nhà nước là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam không thể chậm trễ trong các hoạt động về đầu tư mạo hiểm cũng như hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, để tiến tới đây, nếu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết thì Việt Nam, các doanh nghiệp Việt sẽ trở thành một đối tác rất quan trọng của các nước ở hai bờ Thái Bình Dương.


Đại học Kỹ thuật Swinburne nằm top 10 trường đại học ở Australia và nằm trong top 3 các trường đại học tại Melbourne. Swinburne được xếp vào top 400 trường đại học hàng đầu thế giới trong năm 2012, và top 100 ngành Vật lý theo bảng xếp hạng học thuật các trường đại học trên thế giới (ARWU). Trường đào tạo các chương trình cử nhân, chương trình sau đại học, thạc sĩ và tiến sĩ trong lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật, Văn chương, Tâm lý học và Khoa học Xã hội, trong đó các ngành thế mạnh được xác định bao gồm Kinh tế, Thương mại, Kinh doanh, Kỹ thuật, Luật, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa học Máy tính, Thiết kế.

Tại Việt Nam, Swinburne gắn bó và đồng hành với chương trình Đường lên đỉnh Olympia từ những năm đầu tiên. Swinburne cũng đang triển khai nhiều chương trình học bổng hấp dẫn dành cho các học sinh, sinh viên ưu tú trong năm 2014.



Lượt xem: 1806

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)