Năm
2008, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hoà Bình đạt 11,8%; thu nhập bình
quân đầu người đạt trên 9 triệu đồng; trong cơ cấu kinh tế, nông - lâm
- ngư nghiệp chiếm 39%, công nghiệp - xây dựng chiếm 28%, dịch vụ chiếm
33%; tổng thu ngân sách đạt 589 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương là
3.323 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 215 dự án đầu tư với
tổng số vốn là 85 triệu USD và 13.000 tỷ đồng, 8 khu công nghiệp tập
trung. Về hoạt động KH&CN, trong thời gian qua tỉnh Hoà Bình đã đạt
được những kết quả đáng khích lệ. Trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp,
kinh phí khoa học đầu tư chiếm 40-50%, số đề tài/dự án chiếm 60%, tập
trung chủ yếu vào các vấn đề: Giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thâm
canh, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; hiện trên 80% diện
tích canh tác của tỉnh dùng các giống lúa cao sản và 90% sử dụng các
giống ngô cao sản, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng lương thực
của địa phương… Trong công nghiệp, tỉnh đã tập trung nghiên cứu, ứng
dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, chế
biến, bảo quản nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khôi phục và phát
triển các ngành nghề thủ công truyền thống… Trong khoa học xã hội, giáo
dục, y tế, tỉnh đã tập trung nghiên cứu các vấn đề xã hội đặc thù; sưu
tầm, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc; ứng dụng kỹ thuật
mới nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh; nghiên cứu áp dụng
đổi mới phương pháp dạy và học…
Tại
buổi làm việc, ông Bùi Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đã bổ
sung thêm một số vấn đề: Hoà Bình là tỉnh có địa hình chia cắt nhưng
thổ nhưỡng rất tốt, hiện bà con đã có ý thức rất cao về hiệu quả của
việc trồng rừng nên tỉnh đang cân nhắc một số dự án trồng cây công
nghiệp, lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Cây cao su, cà
phê... Hiện đã có 13 dự án sân gôn được đăng ký nhưng tỉnh đang cân
nhắc để chuyển mục đích sử dụng một số dự án sang sản xuất nông nghiệp
(1 dự án sân gôn - Đồng Tâm đã chính thức được chuyển sang dự án chăn
nuôi bò và chế biến sữa). Cơ sở hạ tầng của tỉnh đã được cải thiện đáng
kể trong thời gian qua; văn hoá, giáo dục, y tế đã có bước phát triển
đáng kể; hoạt động KH&CN tuy đạt được những thành tựu đáng kể nhưng
không tránh khỏi tình trạng chung của một tỉnh miền núi là thiếu hụt
nguồn nhân lực (đội ngũ cán bộ khoa học hiện nay chủ yếu là làm quản lý
ở từ các sở/ngành, chứ chưa thu hút được các cán bộ khoa học từ trường
đại học hay các tổ chức nghiên cứu - triển khai). Ông Bùi Văn Tỉnh cũng
nhấn mạnh: Để tăng trưởng và phát triển bền vững, KH&CN đóng một
vai trò hết sức quan trọng; Hoà Bình mong các Bộ/ngành, đặc biệt là Bộ
KH&CN tiếp tục quan tâm giúp đỡ; cụ thể là trong một số dự án như:
Chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thuốc bảo vệ
thực vật, sản xuất phân vi sinh hữu cơ, sản xuất thực phẩm chức năng,
xử lý chất thải; trung tâm công nghệ sinh học và khu sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao; sản xuất dược phẩm bằng nguồn cây thuốc tự nhiên
của tỉnh; chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng;
ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất màng Polyme tự phân huỷ phục vụ
sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tao
phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa mà
điện lưới quốc gia chưa tới được; xây dựng trung tâm công nghệ thông
tin.
Phát
biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng chúc mừng những
thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, bày tỏ sự cảm ơn đối
với Lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc hiệu quả với đoàn của Bộ
KH&CN. Thứ trưởng khẳng định: Ngoài những thế mạnh mà Hoà Bình đã
xác định thì vị trí địa lý (tiếp giáp với Hà Nội) là một tiềm năng, một
“tài nguyên” rất có giá trị, cần phát huy để phục vụ cho sự phát triển
của tỉnh. Trong phát triển lâm nghiệp, tỉnh cần xác định: Khai thác tốt
đất trống, đồi trọc để làm rừng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ
(Thứ trưởng đã mời hai doanh nghiệp cùng đi là Tổng công ty Lâm nghiệp
Việt Nam và Công ty Tân An để sẵn sàng hợp tác với Hoà Bình trong việc
xây dựng nhà máy chế biến gỗ); đối với cây cà phê chè, cần hợp tác với
các nhà khoa học để tìm ra hướng đi sao cho hiệu quả nhất; cây cao su
cần thận trọng vì Hoà Bình là tỉnh có khí hậu tương đối khác biệt so
với các tỉnh miền núi phía Bắc khác (nhiều tiểu vùng có sương muối).
Hoà Bình nên lập bản đồ sương muối, sử dụng công nghệ GIS, sau đó đối
chiếu và đưa ra kết luận chính xác cho từng tiểu vùng với những cây,
con nào là phù hợp nhất. Hoạt động KH&CN của tỉnh cần đẩy mạnh hợp
tác, gắn kết giữa nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp. Đối với
vấn đề môi trường, Thứ trưởng khẳng định sẵn sàng hợp tác với Hoà Bình
trong việc xử lý ô nhiễm môi trường trong công nghiệp, đặc biệt là có
thể giới thiệu công nghệ vừa đảm bảo môi trường, vừa tiết kiệm năng
lượng trong sản xuất tinh bột sắn.