Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu công nghiệp – Khu chế xuất, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức Quốc tế,…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho biết, nguồn vốn nước ngoài tại Việt Nam (FDI) vừa thu hút vốn, tạo công ăn việc làm, vừa là nguồn thu hút tiếp nhận công nghệ mới khi vào Việt Nam. Điều này đã tác động tích cực tới sự phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 02/2012, tổng số dự án FDI tại Việt Nam là 13.530 dự án, tổng vốn đăng ký gần 200 tỷ USD, tiêu biểu qua các dự án như: SamSung (Hàn Quốc), Inter, HP (Mỹ), Foxconn (Đài Loan), Canon (Nhật),…
Tuy nhiên Thứ trưởng cũng cho rằng, cần đánh giá nghiêm túc nguồn vốn này, bởi nó có tác động trực tiếp và gián tiếp tới các sản phẩm công nghệ do FDI mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Với số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao vẫn chưa nhiều, thu hút FDI tại Việt Nam chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. “Có những dự án sản xuất sản phẩm về công nghệ cao nhưng chỉ là gia công, lắp ráp, về bản chất các dự án đó lại không thuộc lĩnh vực công nghệ cao”, Thứ trưởng chia sẻ.
Kết thúc Hội thảo, Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thời gian tới, hoạt động thu hút FDI tại Việt Nam sẽ tập trung vào các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng cường sự liên kết qua các ngành, khu vực nhằm tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản suất và chuỗi giá trị toàn cầu như: công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin, dược, công nghiệp sinh học, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, vật liệu mới,…