Phát triển nhờ "đi" bằng KH&CN
Kỹ
sư Chu Văn Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên cơ
khí Đông Anh đã phát biểu như vậy khi đề tài "Nghiên cứu thiết kế, chế
tạo khuôn đùn ép nhôm định hình thay thế khuôn nhập khẩu" do ông làm
chủ nhiệm được trao giải nhất. Sở dĩ, ông và các đồng nghiệp chọn đề
tài này là vì trong công nghệ sản xuất nhôm thanh định hình thì khuôn
đùn ép có vai trò quyết định tới chất lượng và một phần giá thành sản
phẩm trong khi việc sản xuất khuôn mới được một số đơn vị nghiên cứu và
chủ yếu vẫn là nhập khẩu.
Đề
tài được thực hiện từ tháng 4.2005 và sau gần 2 năm triển khai đã thu
được kết quả đáng mừng. Theo đó, bằng phát huy nội lực, không phải nhận
chuyển giao công nghệ, trên cơ sở thiết bị sẵn có, công ty đã tạo ra
được hàng trăm bộ khuôn nhôm đạt chất lượng tương đương nhập khẩu, nhờ
đó giá thành sản xuất khuôn trong nước sẽ giảm 20-25%. Sự thành công
của đề tài này là mỗi năm đã tiết kiệm cho Nhà máy nhôm Đông Anh được
khoảng 1 triệu USD, từ đó có thể hạ giá thành sản xuất để cạnh tranh.
Đáng
lưu ý là Công ty TNHH nhà nước một thành viên cơ khí Đông Anh là một
trong những đơn vị trong nhiều năm gần đây đã đầu tư mạnh cho hoạt động
KHCN và chuyển giao kết quả vào sản xuất khá thành công. "Hơn 10 năm
qua, công ty chúng tôi đã thực hiện 5 đề tài cấp ngành và thành phố,
góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu nhôm Đông Anh
trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực cơ khí xây dựng của Việt
Nam" - ông Chu Văn Toàn cho biết thêm.
Hiệu quả lâu dài
Cùng
được trao Giải thưởng KH&CN Hà Nội 2008 còn là những công trình
nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao. Đó là đề tài "Nghiên cứu nâng cao
chất lượng và hoàn thiện công nghệ chế tạo vật liệu mới gốm ZnO
(MOV-ZnO) làm van chống sét 35 KV" của TS Nguyễn Cao Thịnh (Công ty
TNHH Thiết bị điện Đông Hưng), đoạt giải nhì, đã giúp giá thành chế tạo
sản phẩm rẻ bằng 70% so với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Một giải
nhì khác "Nghiên cứu cải tiến sản phẩm bánh trứng nướng trên dây chuyền
bánh Pháp" của kỹ sư Lê Thanh Thủy (Công ty cổ phần Tràng An) cũng đã
tăng doanh thu cho đơn vị khoảng 8,8 tỷ đồng/năm.
Một
số đề tài khác được trao giải lần này lại đi vào xử lý những vấn đề dân
sinh bức xúc, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đó là "Nghiên cứu sản
xuất và ứng dụng một số chủng nấm Metarhizium và Beauveria để phòng trừ
côn trùng trong đất hại cây trồng" (tác giả: TS Tạ Kim Chỉnh - Trung
tâm Nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm sinh học) đã được ứng dụng tại
một số địa phương để phòng trừ côn trùng hại lúa và loài mối cây điều.
PGS-TS Nguyễn Việt Anh (ĐH Xây dựng Hà Nội) đã "Nghiên cứu chế tạo vật
liệu Polyme phù hợp sử dụng làm giá thể vi sinh để xử lý nước thải đô
thị và công nghiệp" để hoàn thiện quy trình và thi công lắp đặt tại một
số chung cư, bệnh viện, trạm xử lý nước với giá thành chỉ bằng 20-40%
sản phẩm nhập ngoại...
Ông
Bùi Thế Cường, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết: Giải thưởng
KH&CN Hà Nội được tổ chức 2 năm/lần nhằm lựa chọn và trao tặng cho
các tác giả những đề tài - công trình có giá trị khoa học, hiệu quả
kinh tế - xã hội, đã và đang được áp dụng mang lại hiệu quả trên địa
bàn Thủ đô. Nó cũng đã góp phần khẳng định được vai trò của KH&CN
cũng như đóng góp của các nhà khoa học trong phát triển kinh tế - xã
hội...