Thứ sáu, 28/06/2013 14:07 GMT+7

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cùng Đoàn công tác thăm và làm việc với Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 27/6/2013, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình hoạt động KH&CN của tỉnh trong thời gian qua cũng như...

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cùng đoàn công tác thăm doanh nghiệp KH&CN Busadco

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ KH&CN có Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải; ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương; ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương; ông Phạm Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam.

Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; ông Nguyễn Kim Trường, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng đại diện các Sở, ban ngành trong tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Trường, cho biết, trong hai năm 2012 và 2013, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai mới 20 đề tài dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tỉnh trên các lĩnh vực bao gồm: Điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường, Khoa học xã hội và nhân văn, Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Y tế - Giáo dục,… Các đề tài, dự án được tập trung tuyển chọn có tính cấp thiết và tính ứng dụng cao. Một số đề tài nổi bật có thể kể đến là “Nghiên cứu các yếu tố tác động đến chất lượng nước Hồ Đá Đen và đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp”; đề tài “Nghiên cứu nhân nhanh invitro gốc ghép để tạo cây giống tiêu ghép có khả năng chống chịu bệnh chết nhanh”; đề tài “Nhân rộng kết quả đề tài ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhân hộ khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”…

Cùng với việc phát triển nghiên cứu dự án cấp tỉnh, hàng năm Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phối hợp với UBND tỉnh, hội nông dân các huyện tập trung chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN trực tiếp vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn như các mô hình nuôi cá cua đồng, cá thương phẩm,...

Cũng trong năm 2012, Sở KH&CN tỉnh đã hỗ trợ cho 5 doanh nghiệp với tổng số kinh phí hỗ trợ 228 triệu đồng; năm 2013 Sở đã tổ chức hội đồng xét duyệt 2 đề tài thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và đổi mới thiết bị công nghệ với kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, bên cạnh những thành tưu đạt được thì trình độ KH&CN chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; còn thiếu những nghiên cứu, ứng dụng mang tính chiến lược đột phá. Các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp chủ yếu tập trung vào các ngành y tế, nông nghiệp, y tế giáo dục, công nghệ thông tin, còn lại các ngành thuộc thế mạnh của tỉnh như công nghiệp, dịch vụ - du lịch, ứng dụng về biển còn ít, chưa tương xứng.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có tăng về số lượng nhưng cơ cấu ngành chưa hợp lý, chất lượng chưa tương xứng, nhất là năng lực quản lý, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, còn thiếu chuyên gia giỏi và cán bộ đầu ngành.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong phát triển KH&CN của tỉnh, ông Mai Thanh Quang cũng cho biết trong năm 2014 tỉnh dự kiến sẽ chi cho KH&CN với tổng số 243.329 tỷ đồng, trong đó dự toán đầu tư phát triển cho KH&CN là 107 tỷ đồng và chi cho sự nghiệp KH&CN là 136.329 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải nhận định, trong thời gian qua, lĩnh vực phát triển KH&CN địa phương đã được Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành dành nhiều sự quan tâm. Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 đã được thông qua với nhiều nội dung quan trọng về vấn đề phát triển KH&CN địa phương, đây sẽ là một động lực mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ở lĩnh vực này.

Thứ trưởng cũng cho rằng, trong hai năm trở lại đây, hoạt động KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều khởi sắc, nhưng những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương. Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh có nhiều lợi thế về biển, khoáng sản, công nghiệp,.. nhưng trong thời gian qua chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế. Việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất còn chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Đặc biệt, hiện nay toàn tỉnh mới có 02 doanh nghiệp KH&CN, đó là một con số còn khiêm tốn so với tiềm lực của địa phương. Tỉnh cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học gắn liền với nhu cầu thực tế, khai thác nội lực sẵn có của địa phương, đặc biệt là quan tâm hơn nữa đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, gửi các đề xuất tới Bộ KH&CN kịp thời để Bộ có hướng xử lý phù hợp góp phần phát triển KH&CN địa phương.

Lượt xem: 1316

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)