Thứ ba, 23/09/2014 08:00 GMT+7

Hội nghị Davos mùa Hè Thiên Tân: Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ chính là động cơ vĩnh cửu cho phát triển kinh tế bền vững

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết Lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty...

Lễ khai mạc Hội nghị

Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực. Năm 2010, Việt Nam đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, 2013 và 2014, Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan, Mianma và Phillipin. Hiện tại, Việt Nam có trên 10 tập đoàn/ tổng công ty lớn là thành viên của WEF.

Hội nghị WEF Davos mùa hè (Davos Summer) thường được gọi là Hội nghị thường niên của các nhà tiên phong (Annual Meeting of the New Champions) là sự kiện đứng thứ 2 về quy mô (với khoảng 1.500 đại biểu tham dự) trong chuỗi các hội nghị WEF, được tổ chức ở Trung Quốc (thay phiên giữa Tp. Đại Liên và và Tp. Thiên Tân). Năm 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tham dự Hội nghị WEF Davos mùa hè tại Đại Liên.

Tham dự Hội nghị Davos mùa hè năm nay có hơn 1600 đại biểu từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, là các nhà chính khách, kinh tế chủ doanh nghiệp, các nhà khoa học, trong đó có Tổng thống Mali, Thủ tướng Angieri, Thủ tướng Đan Mạch, Thủ tướng Serbi, Phó Thủ tướng Nga, Phó Thủ tướng Grudia tới dự. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Diễn đàn trong việc thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thế giới, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hồi phục như hiện nay.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mùa hè năm 2014 khai mạc ngày 10/9. Trong ba ngày, WEF Thiên Tân có 140 tham luận xoay quanh các vấn đề: xã hội và sự ổn định, đổi mới sáng tạo và công nghệ, khoa học và kỹ thuật, sáng tạo và văn hóa… Diễn đàn cũng đem lại cái nhìn sâu hơn về năm sự chuyển đổi mang tính kỹ thuật có tầm ảnh hưởng sâu rộng và sẽ tác động tới các ngành nghề xã hội, làm thay đổi các doanh nghiệp, ngành công nghiệp và cả nền kinh tế như: cách mạng về dữ liệu, công nghệ nano, công nghệ robot-trí tuệ nhân tạo, khoa học thần kinh và năng lượng phi truyền thống. Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội như thất nghiệp, bất bình đẳng thu nhập, đào tạo kỹ năng và tính cạnh tranh của các quốc gia cũng đang nảy sinh khi mà công nghệ thay đổi.


Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị Davos Thiên Tân


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Đoàn Việt Nam đã tham dự các phiên chung về vai trò của đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội:
- Chính phủ cần có biện pháp gì để tận dụng tiềm năng công nghệ nhằm xây dựng chính sách tốt hơn;
- Đổi mới sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu và kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng giúp cải thiện đời sống của người dân như thế nào;
- Những xu hướng, mô hình kinh doanh và công nghệ mới nổi nào đang làm thay đổi ngành y tế;
- Thế giới siêu kết nối và chính phủ điện tử, làm thế nào để đưa đưa Internet trở thành nguồn tài nguyên chung của thế giới;
- Đánh giá tác động của các mối hiểm họa số để nâng cao giá trị từ hoạt động số hóa và siêu kết nối, nâng cao khả năng hồi phục của doanh nghiệp;
- Đâu là yếu tố để thương mại hóa thành công các nghiên cứu khoa học, vai trò của nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, chính phủ và sự hợp tác liên ngành.

Trong các phiên họp song phương tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã làm việc với Bộ trưởng Công nghệ thông tin, Truyền thông và Công nghệ cao Azerbaijan, Ts. Ali Abbasov về khả năng hợp tác về khoa học và công nghệ giữa hai nước cũng như trong các lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng nguyên tử và làm việc với Ts. Phillip Rösler, Giám đốc điều hành, thành viên hội đồng quản trị của Diễn đàn kinh tế thế giới về kế hoạch hợp tác giữa WEF và Việt Nam, đặc biệt tập trung vào chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11 năm 2014 của Ts. Phillip Rösler. Trong cuộc hội đàm, Ts. Phillip Rösler nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong nền kinh tế và ông sẽ mời các doanh nghiệp khoa học và công nghệ cao khu vực Berlin, CHLB Đức và Israel tham gia chuyến thăm Việt Nam sắp tới.



Thông điệp của Diễn đàn Davos mùa Hè: Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ chính là động cơ vĩnh cửu cho phát triển kinh tế bền vững
Chủ đề chính của Diễn đàn lần này là “Đẩy mạnh sáng tạo - Kiến tạo giá trị” nhằm thảo luận, nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo thông qua khoa học và công nghệ. Điều ấn tượng nhất là phần lớn các tham luận tại diễn đàn đều liên quan đến đổi mới sáng tạo trong hầu hết các lĩnh vực đặc biệt là khoa học công nghệ. Rất nhiều diễn giả, người dẫn chương trình trong các phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn là các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng và từ các doanh nghiệp hàng đầu.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh để thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển cần tìm ra lĩnh vực tăng trưởng mới nhờ sáng tạo, thông qua sáng tạo và đổi mới góp phần nâng cao giá trị của toàn xã hội, trong đó phát triển khoa học công nghệ đã, đang và sẽ làm thay đổi cơ bản cục diện kinh tế, đồng thời đem đến cơ hội và thách thức mới. Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch WEF Klaus Schwab kêu gọi các nước triển khai cải cách một cách quyết đoán và toàn diện nhằm nắm bắt tốt cơ hội trong tương lai cũng như để đối phó với những thách thức kinh tế, xã hội hiện nay. Ông Klaus Schwab nhấn mạnh, điều này bắt buộc phải đi sâu vào chuyển đổi mô hình và để đạt thành công, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của chính phủ, giới doanh nghiệp và toàn xã hội.

Chính vì thế, thách thức lớn nhất hiện tại là làm thế nào để đột phá và có thể tạo ra nhiều giá trị hơn cho tất cả các bên. Kinh tế thế giới đang điều chỉnh sâu sắc, tiến trình phục hồi đầy khó khăn, phức tạp. Một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới và sự thay đổi ngành nghề có khả năng thay đổi thế giới, phát triển kinh tế toàn cầu. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến trình sáng tạo toàn diện trong đó lấy sự sáng tạo khoa học và công nghệ làm hạt nhân, tìm ra những công nghệ mới, vật liệu mới có thể ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và làm thay đổi bộ mặt thế giới.

Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là những đột phá trong khoa học công nghệ được các đại biểu tham dự diễn đàn năm nay xác định là động lực quan trọng để thúc đẩy cũng như tạo ra những giá trị kinh tế trong thời điểm hiện nay. Chúng ta đang bước vào một nền kinh tế được định hình bằng sự sáng tạo của các nhà khoa học, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và vai trò thúc đẩy, quản lý của nhà nước.

Lượt xem: 1861

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)