Tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch APLAC Nigel Jou cùng 130 đại biểu đến từ 26 quốc gia và thể chế kinh tế thành viên.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam luôn đề cao vai trò của hoạt động công nhận trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, những hoạt động của APLAC là cơ hội cho việc hội nhập quốc tế của các nước thành viên cũng như củng cố, hoàn thiện hệ thống công nhận với phương châm thống nhất hóa, chuyên nghiệp hóa trong khuôn khổ thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (MRA) nhằm hỗ trợ cho hoạt động thương mại khu vực và quốc tế.
Hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn có mối quan hệ chặt chẽ với APLAC và các thành viên về trao đổi nhân sự, kinh nghiệm, tài liệu. Hoạt động công nhận tại Việt Nam đã đạt được những bước tiến rất quan trọng về chất, trình độ ngày càng tiệm cận với trình độ công nhận Châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là Hội nghị thường niên của APLAC nhằm đánh giá, xem xét lại việc thực hiện các chính sách thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực công nhận các tiêu chuẩn chung, thống nhất đối với các phòng thí nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận,… Qua đó giúp giảm thiểu các rào cản thương mại về giấy tờ thủ tục hành chính giữa các nước thành viên.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 700 đơn vị hoạt động công nhận gồm các phòng thí nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận, phòng xét nghiệm y tế. Sự phát triển hoạt động công nhận tại Việt Nam sẽ giúp rút ngắn ngắn thời gian, kinh phí và những rủi ro trong kinh doanh cho sản phẩm Việt khi xuất khẩu.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các nước thành viên sẽ đánh giá lại hoạt động của APLAC trong năm 2012. Đồng thời, xem xét lại chính sách liên quan đến hoạt động đánh giá – công nhận, xem xét các báo cáo của các đoàn đánh giá độc lập về các đơn vị công nhận của các nước thành viên nhằm đảm bảo các đơn vị chứng nhận phải có trình độ tương đương nhau.
Hội nghị kết thúc vào ngày 13/9/2013.
APLAC thành lập năm 1992, với gần 30 thành viên, là cơ quan điều hành và phối hợp giữa các Tổ chức Công nhận của các nước để thực hiện thống nhất các tiêu chuẩn đối với các phòng thí nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận tại mỗi nước. Do đó một sản phẩm hàng hoá được kiểm tra và cấp phép đạt tiêu chuẩn chất lượng của một nước thành viên sẽ có giá trị pháp lý tương đương tại các nước thành viên khác, qua đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm về thời gian và nhiều chi phí. |