Tại Hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của Quỹ KOTEC và đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc hình thành và phát triển Quỹ KOTEC, xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá và thẩm định công nghệ phục vụ việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trao đổi kinh nghiệm xây dựng hệ thống đánh giá, định giá, bảo lãnh công nghệ tại Việt Nam.
Ông Kim Kihong- Giám đốc điều hành Quỹ KOTEC cho biết, từ những năm 1980, Hàn Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế và đã xây dựng được nền tảng nhất định trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) lúc đó cũng mới chỉ tăng trưởng về mô hình, vẫn thiếu vốn, thông tin,… và không cạnh tranh được với những doanh nghiệp lớn. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã đặt ra chiến lược hỗ trợ các SME có được những công nghệ đặc biệt để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc dân. Cụ thể, tập trung phát triển công nghệ trọng tâm, mang tính chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về KH&CN, phát triển ngành công nghệ mà các doanh nghiệp đã có những đóng góp chủ đạo trong nền kinh tế. Với chiến lược đó, tỉ trọng KH&CN đóng góp vào GDP đã tăng từ 1,09% năm 1982 lên 2% năm 1986.
Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển và đổi mới công nghệ, hỗ trợ về tài chính, bảo lãnh tín dụng công nghệ và việc thành lập cũng như sử dụng các quỹ phát triển công nghệ đã được ban hành. Năm 1997, lần đầu tiên Hàn Quốc đã đưa ra và áp dụng cơ chế thẩm định, đánh giá công nghệ. Hàng loạt các cơ chế, chính sách khác như luật mới về quỹ bảo đảm tín dụng công nghệ; hệ thống hỗ trợ về tài chính; hệ thống hỗ trợ đánh giá, thẩm định công nghệ phù hợp với các lĩnh vực;… cũng đã được ban hành.
Ông Kim Kihong hy vọng qua sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, doanh nghiệp Hàn Quốc, hai bên sẽ có cơ hội hiểu rõ phương thức giao thương, các tiêu chuẩn công nghệ của các SME của hai nước và tìm ra giải pháp đánh giá, thẩm định công nghệ phù hợp. Từ đó, có thể thực hiện các dự án hợp tác và cơ hội giao dịch thương mại, góp phần tăng cường hợp tác về KH&CN giữa hai quốc gia.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Mai Hà cho hay, Chính phủ Việt Nam xác định trong 10 năm tới, KH&CN và đổi mới tiếp tục được khẳng định là động lực đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, Việt Nam coi đội ngũ cán bộ KH&CN và doanh nghiệp chính là những nhân tố quan trọng để thực hiện mục tiêu quan trọng này. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN, nâng cấp hạ tầng nghiên cứu, khuyến khích đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, khuyến khích hình thành phát triển doanh nghiệp KH&CN, thông qua việc triển khai chương trình quốc gia được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong quá trình phát triển, Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác ưu tiên, quan trọng. Hàn Quốc được biết đến với hệ thống trường đại học, viện nghiên cứu và đào tạo, phòng thí nghiệm tiên tiến, các nhà sáng tạo có tinh thần doanh nghiệp, hệ thống tài chính đồng bộ hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới nhằm phát triển lực lượng doanh nghiệp KH&CN.
Ông Tạ Việt Dũng- Quyền Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã tham mưu và xây dựng trình Chính phủ ban hành nhiều chương trình quốc gia. Các chương trình này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong các doanh nghiệp, nhất là SME cũng như hỗ trợ hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp KH&CN.
Tuy nhiên, để có thể triển khai các chương trình quốc gia, các quỹ quốc gia trong thực tế, việc đánh giá, định giá công nghệ cho doanh nghiệp một cách chính xác và khoa học để làm căn cứ cho việc xác định mức hỗ trợ cũng như khả năng hỗ trợ cần được xây dựng một cách hoàn chỉnh và hệ thống. Kinh nghiệm các nước đi trước cho thấy họ có thể sử dụng hệ thống định giá, đánh giá công nghệ chuẩn mực và theo tiêu chuẩn để thực hiện bảo lãnh tín dụng công nghệ cho doanh nghiệp và được các ngân hàng, tổ chức tín dụng chấp nhận cho vay.
Chiều cùng ngày, KOTEC và SATI đã ký kết Biên bản thảo luận với mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa của hai nước. Theo đó, hai bên sẽ đặc biệt chú trọng hợp tác các lĩnh vực về mạng lưới kinh doanh mở, chuyển giao công nghệ, hợp tác về nghiên cứu và phát triển (R&D), hợp tác để thâm nhập thị trường giữa các SME có định hướng công nghệ của hai nước.